Tỉnh Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho khoảng 44.000 người thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng.
Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho khoảng 44.000 người. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Tỉnh Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho khoảng 44.000 người thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng (chiếm khoảng 44% so với tổng nhu cầu về nhà ở cho các nhóm đối tượng); trong đó, khoảng 40.000 người thuộc nhóm đối tượng công nhân và 4.000 người thuộc các nhóm còn lại.
Đến năm 2030, tỉnh giải quyết nhu cầu ở xã hội cho khoảng 133.000 người thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng (chiếm khoảng 85% so với tổng nhu cầu); trong đó, có 123.000 người thuộc nhóm đối tượng công nhân và 10.000 người thuộc các nhóm còn lại.
Đối với nhu cầu diện tích đất nhà ở xã hội, đến 2025, tổng nhu cầu diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội trên địa bản tỉnh khoảng 56 ha. Năm 2030 khoảng 173 ha.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cho biết, đối với 13 khu công nghiệp và 2 khu công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, hiện chưa có các dự án xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân. Hầu hết các khu công nghiệp này khi được thành lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng đều không bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 54 dự án phát triển nhà ở có bố trí đất nhà ở xã hội với tổng diện tích đất trên 321 ha; trong đó, có 20 dự án là nhà ở xã hội độc lập, 34 quỹ đất nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị.
Bình Phước đã đề ra kế hoạch đầu tư xây dựng 40.748 căn hộ dành cho công nhân. Cụ thể, đến năm 2025 tỉnh chủ trương xây dựng 10.995 căn hộ (998 căn hộ cho người có thu nhập thấp, 9.998 căn hộ cho công nhân khu công nghiệp) và 33.248 căn hộ (2.498 căn hộ cho người thu nhập thấp, 30.750 căn hộ cho công nhân khu công nghiệp) đến năm 2030.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, quan điểm của tỉnh về việc phát triển nhà ở xã hội để phục vụ cho các nhóm đối tượng được thụ hưởng theo quy định của pháp luật, đặc biệt là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện, vững chắc kinh tế - xã hội.
Phát triển nhà ở xã hội phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và nhu cầu thực tế; đáp ứng các điều kiện về dịch vụ, tiện ích xã hội cho các đối tượng được thụ hưởng có cuộc sống ổn định, an toàn xã hội, môi trường bền vững, thích ứng với khả năng biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên đất đai.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh làm tốt công tác quy hoạch nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân. Theo đó, địa phương quy hoạch khoảng 173 ha diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội ở những nơi có quy hoạch nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế như Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long.
Tỉnh gắn quy hoạch các khu công nghiệp mới với các dự án nhà ở xã hội; việc thành lập và xây dựng mới các khu công nghiệp phải đảm bảo quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn theo quy định, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp; khuyến khích chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư nhà ở xã hội gắn với khu công nghiệp.
Đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan lập quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh rà soát, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư dễ thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội cho thuê; công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu đề xuất đầu tư; tăng cường xúc tiến, mời gọi thu hút đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội; khuyến khích các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Mặt khác, địa phương phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập để bán, cho thuê, cho thuê mua phục vụ cho nhóm đối tượng công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để ở. Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo đúng tiến độ để ra, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết và tính chất dự án được duyệt. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, thì sẽ thu hồi phần đất xây dựng nhà ở xã hội để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện.
Khu vực ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương: Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long là nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế.
Nhật Bình