• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.241,97 -0,16/-0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.241,97   -0,16/-0,01%  |   HNX-INDEX   223,09   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   91,96   -0,10/-0,11%  |   VN30   1.301,06   +1,84/+0,14%  |   HNX30   474,27   -1,53/-0,32%
27 Tháng Mười Một 2024 11:41:11 CH - Mở cửa
Doanh nghiệp Việt thích ứng thế nào trước các biến động trong chuỗi cung ứng?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 09/02/2024 5:06:01 CH

Mối đe dọa trước những biến động, gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi cung ứng đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần chủ động linh hoạt thích ứng tốt hơn nữa trong năm 2024. Nhất là theo dõi sát tình hình, đa dạng phương thức vận chuyển, xây dựng mạng lưới cung ứng rộng khắp, cấp thiết xây dựng các kế hoạch dự phòng, hoạch định chiến lược theo các kịch bản cụ thể… 

Theo thông tin mới đưa ra từ Baltic Air Freight Index, một số tuyến vận tải hàng không đã tăng giá tới 6,4% trong những ngày đầu tháng 2/2024. Nguyên nhân là vì cước phí vận tải đường biển tăng do tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ đã góp phần khiến cước phí vận tải hàng không tăng. Chi phí vận tải tăng cao gây lo ngại về lạm phát.

Xây dựng mạng lưới cung ứng thay vì chuỗi cung ứng

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc Houthi tấn công tàu thương mại trên Biển Đỏ đã khiến hoạt động vận tải biển tiếp tục gặp khó khăn. Điều này khiến cho hàng hóa XK của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. 

Trước những biến động tiếp diễn như hiện nay rất cần tăng cường sự chủ động cho DN logistics Việt Nam trong việc vận chuyển hàng hóa quốc tế.

Chẳng hạn như các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Châu Âu (chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu năm 2023) vốn đi bằng đường biển là chủ yếu có thể chịu ảnh hưởng do sự kết hợp giữa thời gian giao hàng kéo dài và giá cước tăng, chi phí bảo hiểm tăng, tạo ra rủi ro cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất nhập khẩu do tình hình Biển Đỏ, tại cuộc họp được Bộ Công Thương tổ chức hôm 6/2, những khuyến nghị đã được đưa ra như DN có thể sử dụng đường sắt vận chuyển hàng hóa sang Châu Âu hoặc kết hợp đường biển – đường hàng không, đường biển – đường sắt, đường biển – đường bộ thay vì chỉ vận chuyển bằng đường biển.

Ví dụ như tuyến đường sắt liên vận từ Việt Nam qua Trung Quốc, Nga, Belarus đến châu Âu. Hoặc xem xét tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang Châu Âu. 

Ngoài ra, các DN cần đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa thay vì phụ thuộc vào một vài nhà cung ứng tại một số quốc gia nhất định. Việt Nam hiện đã ký và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nên rất thuận lợi trong việc xây dựng mạng lưới cung ứng rộng khắp.

Bên cạnh đó, ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), đã đặc biệt nhấn mạnh đề xuất Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương cần tăng cường cung cấp thông tin và có hướng dẫn kịp thời về tình hình Biển Đỏ cho DN. Đồng thời cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ DN mở rộng thị trường, xây dựng mạng lưới cung ứng thay vì chuỗi cung ứng.

Về lâu dài, theo ông Trung, để tăng cường sự chủ động cho DN logistics Việt Nam trong việc vận chuyển hàng hóa quốc tế, Nhà nước cần sớm triển khai chiến lược xây dựng đội tàu container quốc gia, hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa…

Có thể nói những giải pháp như trên có thể góp phần gia tăng sự linh hoạt và khả năng chống chịu với các biến động của môi trường kinh doanh quốc tế liên quan đến DN Việt Nam khi xảy ra các sự cố không mong muốn trong tương lai như sự cố trên Biển Đỏ lần này.     

Chuẩn bị tốt cho những gián đoạn

Theo giới chuyên gia, các DN cần rút ra những bài học trước các biến động trong chuỗi cung ứng đã xảy ra như hồi năm 2023. Nhất là các DN trong những lĩnh vực XK chủ lực vẫn còn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước, dẫn tới vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất. Và khi có biến động lại dẫn đến bị động về nguồn cung nguyên liệu, giá cả tăng cao.

Chưa kể, khi chuỗi cung ứng gặp biến động thì việc thanh lọc, đào thải nhà cung cấp của nhà mua hàng cũng diễn ra mạnh mẽ. Bản thân các nhà bán lẻ, nhà thu mua quốc tế phải đối mặt với áp lực giảm giá để giảm hàng tồn kho, chi phí tiết giảm cũng gần như đã tới hạn, buộc các hãng lớn phải cắt giảm số lượng đơn hàng, giảm đơn giá, giảm số lượng nhà cung cấp.

Cần lưu ý, có nhiều DN trước đây chỉ tham gia trong chuỗi cung ứng với vai trò nhà sản xuất thứ cấp (gia công lại) hoặc phụ thuộc số ít khách hàng chủ lực mà không chú trọng phát triển đội ngũ thị trường, đa dạng hóa khách hàng thực sự nên khó tránh gặp những bất trắc. 

Ngược lại, với những DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, trực tiếp sản xuất cho các nhãn hàng, có đội ngũ phát triển thị trường mạnh thì khả năng chống chịu trước biến động vẫn tốt hơn.

Theo Ts. Majo George - chuyên gia nghiên cứu về logistics và chuỗi cung ứng, đối với Việt Nam và các quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, việc đa dạng hóa nguồn cung ứng, đầu tư vào năng lực địa phương và xây dựng các kế hoạch dự phòng ngày càng trở nên cấp thiết. 

Ông George cho rằng, những biến động chuỗi cung ứng trên toàn cầu càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc dự đoán và chuẩn bị cho những gián đoạn địa chính trị trong một thế giới kết nối toàn cầu.

“Các DN Việt phải điều chỉnh và củng cố chiến lược của mình để đảm bảo ổn định và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trước những bất ổn địa chính trị”, Ts. George chia sẻ.

Còn theo Ts. Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học RMIT), việc phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt và có khả năng thích ứng đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với việc tăng trưởng thương mại trong môi trường bị gián đoạn này. Nhiều nghiên cứu gần đây kêu gọi các ngành công nghiệp chủ động quản lý chuỗi cung ứng và số hóa hoạt động của mình để luôn được cập nhật. 

“Chúng tôi khuyên những người làm trong ngành và các hiệp hội chuỗi cung ứng nên liên tục cập nhật thông tin trong những giai đoạn bất ổn hiện nay bằng cách liên hệ với các nguồn uy tín để có được báo cáo cập nhật mới nhất và đáng tin cậy nhất. Việc hoạch định chiến lược theo các kịch bản cụ thể và củng cố nguồn cung tin cậy có thể nâng cao khả năng phục hồi và tính linh hoạt trong hoạt động thương mại”, ông Hùng nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, những biện pháp chiến lược trên rất cần thiết để đảm bảo dòng hàng hóa xuyên biên giới thông suốt hơn, góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại toàn cầu trước những xung đột tiềm ẩn trong tương lai. Ngay cả khi lưu thông sản phẩm và dịch vụ có thể bị đe dọa do những gián đoạn hiện nay, hợp tác về công nghệ và trao đổi chuyên môn vẫn có thể tiếp tục diễn ra.

 Thế Vinh