Hoạt động sản xuất công nghiệp TP.HCM có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng trưởng dương 4,3% trong hai tháng đầu năm 2024, sau hai năm liên tục giảm...
Chỉ số IIP của TP.HCM lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương 4,3% sau hai năm liên tục giảm. Ảnh minh họa.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2024, Cục Thống kê TP.HCM đã đưa ra nhận xét tổng quát như vậy; đồng thời cho biết, mặc dù lũy kế hai tháng tăng nhưng riêng tháng 02/2024 giảm 24,3% so với tháng đầu năm do là tháng tết.
Cụ thể, IIP của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2023. Bao gồm: Ngành cơ khí tăng 6,7%; hóa dược tăng 12,6%; chế biến lương thực thực phẩm tăng 6,4% và điện tử - công nghệ thông tin tăng 6,3%.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 21/30 ngành có chỉ số IIP tăng khá so cùng kỳ năm ngoái. Một số ngành có mức tăng trưởng cao, như: Các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, trừ máy móc trang thiết bị, tăng 24,3%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,6%; hóa chất và sản phẩm từ hóa chất tăng 14%... Đối với ba ngành công nghiệp truyền thống là dệt, may mặc và giày da, ghi nhận chỉ số IIP tăng 1,4%; trong đó dệt tăng 6%, may mặc 5,1% và giày da tăng 4,9%.
Theo nhận định của Cục Thống kê TP.HCM, hoạt động sản xuất công nghiệp của TP.HCM hai tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu phục hồi khi ghi nhận IIP đạt mức tăng trưởng dương 4,3% so cùng kỳ sau hai năm liên tục giảm; trong đó, năm 2022 giảm 0,7% và năm 2023 giảm 4,5% trong hai tháng đầu năm. Ngoài tín hiệu rất tích cực này, ghi nhận từ phía cộng đồng doanh nghiệp cho biết, họ có đơn hàng đến hết quý II-2024.
Về thương mại, ghi nhận có mức tăng trưởng khá và ổn định, chỉ số CPI được kiểm soát tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 02/2024 giảm 16,4% so tháng đầu năm do là tháng nghỉ tết nhưng tăng 7,9% so cùng kỳ 2023; chia ra như sau: Bán lẻ tăng 10%, lưu trú, ăn uống tăng 13,6%, dịch vụ lữ hành tăng 31,6% và các dịch vụ khác tăng 20,9%.
Một báo cáo khác trước đó về tình hình sản xuất kinh doanh, thương mại của Sở Công Thương TP.HCM, cũng đưa ra các số liệu và đánh giá tương tự; theo đó cơ quan quản lý này tin rằng đến hết quý I-2024 hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ đạt kết quả khả quan. Sở này cũng đưa ra dự báo rằng IIP trong quý I-2024 tăng trưởng tối thiểu so cùng kỳ từ 5%; thương mại dịch vụ tăng tối thiểu 10% và xuất khẩu tăng trên 7%.
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhận định: Kỳ vọng hoạt động sản xuất, thương mại khả quan quý I-2024 vì tháng 1 và tháng 2 đã có tín hiệu tích cực. Hai ngành hàng khó khăn nhất của năm ngoái là dệt may và đồ gỗ thì hiện nay nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng đến tháng 6/2024.
Ngoài ra, ông Vũ thông tin thêm: Lãnh đạo hiệp hội dệt may cho biết, có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng cả năm. Hiệp hội Gỗ cũng có những tín hiệu tích cực. Một doanh nghiệp thuộc Hội Cơ khí điện TP.HCM trong ngày đầu năm mới cũng cho biết, dù chỉ ký hợp đồng hơn 100 triệu đồng nhưng hy vọng ngành sẽ có sự khởi sắc.
Cũng theo vị đứng đầu ngành công thương TP.HCM, xuất khẩu là một trong ba trụ cột của Thành phố thực hiện nhằm giữ kinh tế năm 2024 tăng trưởng từ 7,5 - 8% như mục tiêu đã đề ra. Vì vậy phải tăng cường sản xuất xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa và đầu tư công. “Đối với xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, ngành công thương có vai trò vừa trực tiếp lẫn gián tiếp. Cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm tại các thị trường lớn, một sự kiện quan trọng là Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu năm 2024 sắp diễn ra, chúng tôi mời các đối tác, các nhà nhập khẩu quốc tế đến TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp”, ông Hoàng Vũ cho hay.
Cùng quan điểm với lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố, báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cũng nêu nhận xét rằng xuất khẩu được coi là động lực quan trọng đối với tăng trưởng GRDP của Thành phố trong nhiều năm qua. Từ đó, Cục Thống kê đưa ra kiến nghị cần chủ động đa đạng hóa thị trường (Ấn Độ chẳng hạn) bởi các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc có nguy cơ giảm sút.
Cần chú trọng đến tiềm năng phát triển các sản phẩm khác dựa trên công nghệ, chất lượng và giảm chi phí. Có như vậy mới cạnh tranh được với thị trường nói chung, các thị trường khó tính nói riêng.
Xuân Thái