Thị trường bất ngờ san bằng rất nhanh mức giảm mạnh hôm qua với mức tăng 14,33 điểm ở VN-Index phiên này. Tương quan độ rộng hoàn toàn trái ngược chỉ sau một đêm cho thấy hưng phấn vẫn còn rất cao. Nhóm blue-chips vốn hóa trung bình mạnh nổi bật, duy nhất MSN bất ngờ bị xả cực mạnh trong đợt ATC...
VN-Index lại sẵn sàng vượt lên đỉnh cao mới.
Thị trường bất ngờ san bằng rất nhanh mức giảm mạnh hôm qua với mức tăng 14,33 điểm ở VN-Index phiên này. Tương quan độ rộng hoàn toàn trái ngược chỉ sau một đêm cho thấy hưng phấn vẫn còn rất cao. Nhóm blue-chips vốn hóa trung bình mạnh nổi bật, duy nhất MSN bất ngờ bị xả cực mạnh trong đợt ATC.
VN-Index đóng cửa tăng 1,13% tương đương +14,35 điểm. Như vậy chỉ số đã lấy lại toàn bộ mức giảm hôm qua (-13,94 điểm) và thậm chí còn nhỉnh hơn một chút. VN30-Index tăng 1,28% nhờ các cổ phiếu vốn hóa trung bình trong rổ tăng nổi bật.
Top 10 vốn hóa của VN-Index thực chất không mạnh. VCB tăng 0,63%, BID chỉ tham chiếu, VHM tăng 0,47%, GAS tăng 0,37%, VIC tăng 0,43%. Duy nhất CTG – vốn hóa đứng thứ 3 thị trường – là khá, tăng 1,44%. Nhóm nhỏ hơn lại rất đáng kể: GVR tăng 6,27% (vốn hóa thứ 12), VPB tăng 3,7% (vốn hóa thứ 9), TCB tăng 2,57%, MBB tăng 2,23%. Top 5 mã kéo điểm nhiều nhất chỉ có VCB, chủ yếu nhờ ưu thế vốn hóa hơn là biên độ tăng giá. Nhóm này đem lại xấp xỉ 6 điểm trong tổng mức tăng 14,35 điểm ở VN-Index.
VN30-Index tăng mạnh hơn VN-Index cũng là nhờ các cổ phiếu tầm trung – nhưng lại có trọng số vốn hóa cao trong chỉ số này. Ngoài GVR, HDB, VIB, ACB, PLX, VRE, SSI, VJC cũng tăng hơn 1%.
Nhóm blue-chips chiều nay hầu hết tăng tốt hơn phiên sáng, tới 23 mã tăng giá cao thêm, trong khi số giảm chỉ 4 mã tụt. Nhóm ngân hàng rất khá, hầu hết đều tăng thêm hơn 1% so với giá chốt buổi sáng. Duy nhất BID chiều nay suy yếu, lùi về tham chiếu tương đương trả lại toàn bộ mức tăng 1,32% buổi sáng. MSN là trường hợp cá biệt, chốt đợt khớp lệnh liên tục vẫn còn tăng 0,53% so với tham chiếu. Đột nhiên đợt ATC xuất hiện lượng bán cực cao tới trên 1,72 triệu cổ, ép giá tụt sâu 1,99% so với tham chiếu. Rất may là vốn hóa MSN cũng không quá lớn, chỉ đứng thứ 15 trong chỉ số VN-Index. Cổ phiếu duy nhất còn lại trong rổ VN30 đỏ là SAB, giảm 0,18% và vốn hóa cũng chỉ đứng thứ 16.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất hôm nay không mạnh.
Độ rộng sàn HoSE chiều nay tốt hơn nhiều, chốt phiên sáng có 255 mã tăng/170 mã giảm nhưng đóng cửa tới 342 mã tăng/139 mã giảm. Mặt bằng giá cũng cao lên đáng kể: 130 mã chốt trên tham chiếu hơn 1%, trong khi buổi sáng mới có 85 mã. Điều bất ngờ là dòng tiền phiên chiều không hề mạnh, HoSE chỉ khớp tăng khoảng 2,8% so với phiên sáng, còn tính cả HNX khớp tăng 1,7%. Điều này nghĩa là nhà đầu tư bán ra đã nâng giá đặt lên và bên mua cũng nâng giá. Sự phối hợp của cả hai bên giúp giá đi lên thuận lợi mà gặp ít lực cản.
Mặc dù số lượng cổ phiếu tăng giá trên 1% chỉ chiếm khoảng 35% tổng số cổ phiếu có phát sinh giao dịch nhưng thanh khoản nhóm này lại chiếm hơn 53% tổng giá trị khớp của sàn HoSE. Nói cách khác, dòng tiền vẫn đang tập trung và có hiệu lực đẩy giá đáng kể. Nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán vẫn có thanh khoản rất mạnh và giá tăng nổi bật. KBC tăng 3,14%, TCH tăng 4,76%, KDH tăng 4,61%, VIX tăng 3,71%, VPB tăng 3,7%, VCI tăng 2,31%, MBB tăng 2,33%, TCB tăng 2,57%... với giao dịch hàng trăm tỷ đồng mỗi mã.
Khối ngoại phiên chiều cũng giảm áp lực bán chiều nay, VND bị xả ròng thêm khoảng 74 tỷ đồng nữa, MWG bị bán thêm khoảng 45 tỷ là đáng kể nhất. Tính chung cả phiên, VND bị bán ròng 396,3 tỷ đồng, MWG bị bán 140,9 tỷ. Tuy nhiên khối này cũng giải ngân thêm nhiều, nên tính chung vị thế giao dịch buổi chiều lại là mua ròng 24,3 tỷ. Phiên sáng khối này xả ròng 199,7 tỷ. Phía mua có PDR +121,5 tỷ, VPB +94,4 tỷ, GEX +82,2 tỷ, VIX +57,9 tỷ, KDH +50,1 tỷ.
VN-Index có lại được hơn 14 điểm quay về mức 1.282,21 điểm là tương đương với mức đóng cửa hôm 22/3 vừa qua. Như vậy cơ hội để chỉ số có đỉnh mới vẫn còn. Điểm thiếu chắc chắn là thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất 23 phiên do bên cầm cổ tiết giảm cường độ hơn là dòng tiền hưng phấn mạnh.
Kim Phong