Thanh khoản duy trì mức cao tạo cơ hội lớn cho sự phục hồi của VN-Index chinh phục mốc 1.300 điểm. Dù vậy, đây là mốc “khó nhằn” nên chỉ số sẽ gặp rung lắc. Chuyên gia cho rằng các nhịp điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu mục tiêu, nhất là khi mùa báo cáo kêt quả kinh doanh quý I và đại hội cổ đông đang đến gần.
Tuần qua (18-22/3), VN-Index tiếp tục công phá vùng đỉnh ngắn hạn trước đó để lên 1.281,98 điểm - mức cao nhất từ tháng 8/2022 nhờ dòng tiền lớn không ngừng đổ về. Dòng tiền vào thị trường tiếp tục bùng nổ với thanh khoản trên HoSE ở mức kỷ lục với giá trị trung bình hơn 30.000 tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch hơn 1,1 tỷ cổ phiếu/phiên, chỉ xếp sau tuần giao dịch cao nhất lịch sử (15-19/11/2021). Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Khả năng đảo chiều tăng cao
Thị trường miệt mài đi lên cùng thanh khoản gia tăng đột biến nhờ cú híh thông tin tích cực từ sự kiện Fed hướng tới chính sách hạ lãi suất trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 và đề xuất không cần ký quỹ 100% đối với nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua đó, chỉ số chính đã tạo đáy ngắn hạn thành công và trở lại với xu hướng tăng. Các chỉ báo định lượng đang ủng hộ cho kịch bản tích cực của thị trường mang tới kỳ vọng VN-Index sẽ dứt khoát vượt 1.300 điểm.
Chuyên gia cho rằng các nhịp điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu mục tiêu.
Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng tâm lý nhà đầu tư đang có sự hưng phấn nhất định trước tín hiệu vượt vùng đỉnh ngắn hạn 1.275 điểm của thị trường. Bên cạnh đó, thanh khoản liên tục gia tăng mạnh trong thời gian gần đây hàm ý dòng tiền nhà đầu tư đã nhập cuộc trở lại và đây là tín hiệu đáng tin cậy nhằm xác nhận cho sự phục hồi trong ngắn hạn.
“Trong trường hợp thanh khoản tiếp tục duy trì mức cao, cơ hội phục hồi sẽ cao hơn so với rủi ro giảm điểm và VN-Index có thể tiếp tục tăng để kiểm định lại vùng 1.300 điểm trong giai đoạn tới”, ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, vùng quanh 1.300 điểm là vùng kháng cự rất mạnh và không dễ để vượt qua nên VN-Index có thể gặp áp lực rung lắc tại đây khi áp lực bán có thể gia tăng trở lại ở quanh vùng này. Bên cạnh đó, thị trường đã có 4 tháng tăng liên tiếp mà chưa có bất kỳ nhịp điều chỉnh kỹ thuật đáng kể nào. Chưa kể thị trường cũng đã xuất hiện những phiên tăng giảm mạnh trong suốt 2 tuần vừa qua, gần nhất là giảm tới 14 điểm trong phiên 25/3.
Giới phân tích nhìn nhận việc thị trường xuất hiện những phiên tăng giảm mạnh thường báo hiệu rủi ro đang bắt đầu gia tăng và xu hướng tăng điểm có thể sớm đảo chiều.
Dù vậy, với mức độ tăng đang ở mức cao, thị trường rất cần một nhịp điều chỉnh để tâm lý nhà đầu tư trở nên cân bằng trở lại và tạo nền giá mới cho một xu hướng tăng mới. Nhịp giảm điểm này cũng là cơ hội để các dòng vốn mới đã bỏ lỡ nhịp tăng vừa qua có thể giải ngân và giúp VN-Index đi lên một cách bền vững hơn. Bởi nhìn về dài hạn, các điều kiện vĩ mô đã được cải thiện đáng kể với nhiều yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng trung và dài hạn như tăng trưởng GDP, chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, dòng vốn FDI.
“Sau mỗi nhịp tăng nóng, thị trường thường sẽ cần thời gian để tích lũy/phân phối nhằm rũ bỏ những nhà đầu tư có vị thế yếu và mở ra cơ hội để nhà đầu tư có thể tham gia, dòng tiền mới đổ vào thị trường. Điều này sẽ tương đối hợp lý ở thời điểm hiện tại khi mà thị trường sẽ cần một nhịp tạm nghỉ trước khi đón nhận các thông tin quan trọng trước thời điểm đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp lớn trên sàn sắp diễn ra”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco nhấn mạnh.
Chiến lược tại nhịp điều chỉnh
Do đó, đối với nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, tại các nhịp điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu mục tiêu. Các vị thế mua mới có thể cân nhắc tham gia từng phần trở lại, đặc biệt chú ý tại nhóm cổ phiếu đón được dòng tiền, duy trì xu thế tăng, có cơ bản tốt và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Trước mắt, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý I/2024 sẽ dần được công bố trong 3 tuần tiếp theo và mùa đại hội cổ đông trong tháng 4.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, mùa kết quả kinh doanh quý I và đại hội cổ đông sẽ mang tính chất định hướng cho từng nhóm ngành và cổ phiếu cụ thể. Với việc thị trường đang sôi động, kết quả kinh doanh của nhóm ngành nào cũng sẽ quan trọng, nhưng cần đặc biệt chú ý nhóm ngân hàng và chứng khoán.
“Đối với nhóm ngân hàng, quan sát về việc lợi nhuận có tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng hay không và nợ xấu diễn biến thế nào mang yếu tố quyết định không chỉ với nhóm này mà cả thị trường. Đối với nhóm chứng khoán, thanh khoản và giá cổ phiếu tăng sẽ là cơ sở cho tăng trưởng lợi nhuận từ mảng môi giới, cho vay ký quỹ và đặc biệt là tự doanh”, ông Huy nhận định.
Dự báo về tăng trưởng lợi nhuận quý I/2024, chuyên gia đến từ KIS nhìn nhận hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục. Trong đó, một số nhóm có thể nhận được sự chú ý, tâm điểm là nhóm cổ phiếu chứng khoán với thanh khoản dự báo gia tăng, doanh thu và lợi nhuận ghi nhận sự phục hồi tương ứng.
Bên cạnh đó, nhóm hàng không cũng đáng chú ý bởi sau dịch Covid-19, các hạn chế về đi lại đã được dỡ bỏ, đặc biệt là đầu năm 2023 Trung Quốc cũng đã bỏ các hạn chế trong đi lại/du lịch giúp nhu cầu du lịch đã gia tăng trở lại. Thêm vào đó, quý I cũng trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên doanh thu của nhóm này có thể có sự tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, một số ngành khác cũng kỳ vọng khởi sắc có thể kể đến như thủy sản, tiêu dùng…
Trong báo cáo mới đây, Agriseco Research cho rằng lợi nhuận toàn thị trường đang trong xu hướng phục hồi sau khi khi đã xuất hiện nhiều tín hiệu tạo đáy từ quý III/2023. Trong bối cảnh quý I/2023 là quý có lợi nhuận giảm mạnh nhất trong năm 2023 khi hoạt động kinh doanh của hầu hết các nhóm ngành đều đi lùi, Agriseco Research kỳ vọng quý I/2024 sẽ có nhiều nhóm ngành có mức tăng trưởng tích cực bao gồm: thép, cao su, chứng khoán, bán lẻ và ngành chăn nuôi.
Hải Giang