• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.250,46 +8,35/+0,67%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.250,46   +8,35/+0,67%  |   HNX-INDEX   224,64   +1,07/+0,48%  |   UPCOM-INDEX   92,74   +0,39/+0,43%  |   VN30   1.311,26   +9,74/+0,75%  |   HNX30   479,79   +4,19/+0,88%
30 Tháng Mười Một 2024 11:11:56 CH - Mở cửa
Sắp có thay đổi lớn về điều chỉnh giá điện?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 28/03/2024 9:26:01 SA

Giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh 3 tháng một lần, có quy định rõ về cơ chế tăng – giảm của EVN. Đây là những điểm mới về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ được thực hiện từ 15/5 tới đây. Liệu điều này đã đủ giúp giá điện bám sát thị trường hơn?

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trong đó có nhiều điểm mới ở trên. Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nhấn mạnh quan điểm xây dựng Quyết định trên hướng cơ chế giá điện theo tín hiệu thị trường.

Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện

Hiện nay, chu kỳ điều chỉnh giá điện quy định tại Quyết định 24 là tối thiểu 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 và 2023, Thường trực Chính phủ có ý kiến về việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện theo lộ trình, có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm để tránh gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới giá điện.

Những thay đổi về cơ chế điều chỉnh sẽ giúp giá điện sát thị trường hơn. 

Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực cũng cho rằng cần lưu ý việc rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng không có nghĩa là cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần mà còn tùy thuộc vào đánh giá tác động tới kinh tế vĩ mô, cũng như tùy thuộc vào kết quả tính toán cập nhật giá điện đã đủ mức để được xem xét điều chỉnh theo quy định hay chưa.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, thực tế quy định điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần không mới, đã đề xuất từ năm 2011. Thêm vào đó, thời gian không phải là yếu tố quyết định giá tăng hay giảm mà là các yếu tố đầu vào. Thực tế, quy định 6 tháng xem xét điều chỉnh giá một lần đã không thực hiện được, giờ quy định 3 tháng, nhưng e vẫn khó thực hiện.

Chưa kể, việc rà soát hàng quý nếu có gì biến động phải tính tiếp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tránh tình cảnh mỗi năm 4 lần tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng cần có thị trường bán lẻ cạnh tranh để giá điện có thể lên xuống linh hoạt theo tín hiệu thị trường.

Thực tế, tại Quyết định mới, Chính phủ đã có quy định về việc kiểm tra giá điện. Chính phủ yêu cầu EVN quyết định điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định hoặc trường hợp EVN trình Bộ Công Thương hồ sơ phương án giá điện theo quy định. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét kiểm tra các báo cáo, tính toán của EVN.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân. EVN có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán điện theo quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán lẻ điện bình quân. EVN có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Điều này cho thấy, giá điện có thể sẽ được điều chỉnh giảm trong thời gian tới, thay vì chỉ tăng như diễn biến nhiều năm qua. Điều này đáp ứng mong mỏi của người sử dụng điện là giá điện có tăng – có giảm.

Muốn có thêm nhiều nhà bán điện

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng cơ chế điều chỉnh giá điện chỉ là một phần, điều quan trọng nhất lúc này với các nhà đầu tư là nguồn điện duy trì ổn định và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hơn, tức sớm có quy định về mua bán điện trực tiếp không qua EVN.

Những ngày này, nhiều nỗi lo thiếu điện cho mùa Hè tới tại miền Bắc đã được đặt ra. Tại cuộc họp của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) mới đây, đơn vị này dự báo các tháng Hè năm 2024, có tới 5/27 địa phương có mức tăng trưởng Pmax (phụ tải cực đại - sản lượng điện) từ 15% trở lên; 10 địa phương có mức tăng trưởng từ 10-15%; 12 địa phương có mức tăng trưởng dưới 10%.

Dự báo vào các tháng cao điểm hè năm 2024, Pmax của EVNNPC đạt 17.343 MW- 17.915 MW tương ứng kịch bản thấp – cao); tăng trưởng tương ứng 9,6 – 13,2% so với Pmax năm 2023 (15.819 MW).

So với nguồn khả dụng các tháng còn lại của năm 2024 theo công bố của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), nguồn điện cho 3 tháng Hè có thể gây ra nhiều thách thức trong việc cân bằng công suất tại một số giờ cao điểm trong kịch bản kiểm tra.

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu, điều này cũng được cộng đồng DN nước ngoài như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và châu Âu tại Việt Nam bày tỏ lo lắng và việc ảnh hưởng của thiếu hụt điện cục bộ đến sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng và nguồn cung cấp điện bền vững, nhiều mục tiêu đặt ra khó thực hiện. Một trong các nhu cầu chính của tất cả các DN và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.

Theo đó, Chủ tịch AmCham khuyến nghị tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công Thương, EVN và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để có thể đưa ra các giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn nhằm hỗ trợ an ninh năng lượng. “Chúng ta cần loại bỏ những bất ổn về quy định và hướng sự tập trung mới vào việc phê duyệt các dự án trong ngắn hạn có tính thực tế và khả thi về mặt tài chính để đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở đây”, ông nói.

Trong khi đó, ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản bày tỏ mong muốn, hợp đồng mua bán điện (PPA) cần thiết lập các quy định để có thể cung cấp năng lượng từ các dự án năng lượng tái tạo trực tiếp đến người dùng cuối (chứ không phải qua EVN và lưới điện), với việc bao tiêu trực tiếp dưới hình thức thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà phát điện và người tiêu dùng cuối cùng.

Đồng thời, cho phép người tiêu dùng điện tiếp cận năng lượng sạch bằng cách triển khai DPPA trong các chương trình thí điểm và bằng cách giảm bớt các rào cản pháp lý đối với các nhà máy năng lượng sạch sau công tơ.

Các DN Nhật Bản khuyến khích triển khai ngay Chương trình thí điểm DPPA, không nhất thiết chỉ giới hạn ở một dự án duy nhất, với các tiêu chí phù hợp và thủ tục hiệu quả để lựa chọn các dự án thí điểm và giảm bớt gánh nặng pháp lý đối với các công ty mong muốn triển khai các nhà máy năng lượng sạch trên sau công tơ.


Ông Phan Đức Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Giá điện là một bài toán phải cắt biến số, không có quá nhiều ẩn số, không có quá nhiều biến số không chính xác, không rõ ràng thì sẽ không thể giải được. Tôi mong rằng, thời gian tới, chúng ta không còn phải tranh cãi với nhau về việc giá điện và phải được tính đúng, tính đủ, rõ ràng. Bên cạnh đó, làm sao phải đảm bảo được an ninh nguồn điện, ít nhất phải đảm bảo đủ điện. Khi đó chúng ta đi tiếp giải bài toán. Những vấn đề này không thể tiếp cận riêng lẻ, đòi hỏi ở đây là các chính sách đồng bộ.

Ông Trần Việt Hòa

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực

Quyết định thay thế Quyết định 24 có tính kế thừa và chỉ điều chỉnh một số nội dung mới cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về thị trường năng lượng nói chung, thị trường điện nói riêng; phù hợp với thực tiễn và xu hướng hội nhập. Với vai trò là Bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương vẫn giữ vai trò, trách nhiệm chính trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện, cũng như là tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá điện.

Ông Hong Sun

Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham)

Các DN Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các DN công nghệ cao như bán dẫn. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Lập trường của các DN  toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự. Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.


Nhật Linh