Các đơn hàng đang quay trở lại nhưng chủ yếu là đơn hàng nhỏ lẻ, trong khi đó nhìn vào tình hình hiện tại của ngành dệt may Việt sẽ thấy việc phụ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc dù là câu chuyện cũ nhưng vẫn rất thời sự. Liệu ngành hàng này tiếp tục chấp nhận phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập như vậy hay vừa nhập khẩu vừa tăng đầu tư để nâng tỷ lệ nội địa hóa?
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM (Agtek), cho biết trong 3 tháng đầu năm nay đơn hàng đã quay trở lại với các doanh nghiệp (DN) dệt may ở Tp.HCM, tuy nhiên phần lớn là đơn hàng nhỏ lẻ (tức là những đơn hàng có số lượng hàng nghìn hoặc hàng trăm sản phẩm thay vì hàng chục ngàn sản phẩm như trước đây).
Doanh nghiệp chọn phương án tối ưu
Để có nguyên phụ liệu phục vụ cho các đơn hàng nhỏ lẻ như hiện nay, theo ông Hồng, nguồn cung ứng từ Trung Quốc vẫn là chủ yếu, ngoài ra phía DN dệt may có tìm thêm nguồn nguyên liệu ở một vài quốc gia khác nhưng tỷ lệ còn thấp.
Nhiều DN dệt may của Việt Nam vẫn xem việc nhập khẩu nguyên phụ liệu Trung Quốc như là một phương án tối ưu.
Theo vị Chủ tịch của Agtek, trong bối cảnh ngành dệt may trong nước vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu (NK) thì việc NK từ Trung Quốc vẫn là phương án tối ưu mà các DN lựa chọn. Nhất là trong bối cảnh nếu DN nhập khẩu nguyên liệu từ những thị trường mà quá trình vận chuyển có liên quan đến khủng hoảng ở Biển Đỏ thì sẽ rất phức tạp. Cho nên, việc lựa chọn NK ở thị trường gần, có giá rẻ như Trung Quốc là lẽ đương nhiên.
Qua trao đổi với VnBusiness bên lề triển lãm China Homelite Vietnam 2024 (diễn ra ở Tp.HCM trong các ngày 27 - 29/3 với nhiều gian hàng trưng bày nguyên phụ liệu của Trung Quốc), ông Phạm Xuân Hồng đã nêu rõ một thực trạng là có đến 90% nguồn nguyên phụ liệu dệt may của các DN ở Tp.HCM đang phụ thuộc vào NK (chủ yếu là từ Trung Quốc), trong khi chỉ có 10% là nguồn cung tại chỗ.
Như lý giải của vị chủ tịch Agtek, tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu trong nước cho ngành dệt may vẫn còn thấp vì còn tùy thuộc theo yêu cầu của các khách hàng. Họ đưa ra yêu cầu về một số loại chất liệu trong quá trình sản xuất kèm theo mức giá thích hợp. Để đáp ứng được như vậy thì các DN phải NK nguyên phụ liệu, bởi vì nguồn cung nội địa không thỏa mãn được những yêu cầu này.
Đó cũng là lý do mà triển lãm China Homelite Vietnam lần này đã quy tụ đông đảo gian hàng từ các nhà cung ứng nguyên phụ liệu dệt may của Trung Quốc (trong đó có nhiều DN đến từ thành phố Hàng Châu). Và các DN dệt may ở Tp.HCM cũng không bỏ lỡ cơ hội để tiếp cận các đối tác cung ứng nguyên phụ liệu có chất lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu của họ. Theo như ước tính triển lãm này có hơn 10.000 khách hàng đăng ký tham dự, với số lượng mua hàng dự kiến sẽ đạt hơn 1 tỷ USD.
Ngoài câu chuyện DN dệt may lựa chọn phương án NK nguyên phụ liệu ở thị trường láng giềng thì việc các DN sản xuất phụ liệu may mặc của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam cũng là một điểm đáng chú ý.
Như trong tháng 3/2024, Tập đoàn Weixing (tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc) đã khánh thành Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa) chuyên sản xuất các loại khóa kéo, phụ kiện phần cứng và hợp kim cho ngành may mặc.
Một số ý kiến cho rằng nhà máy này sẽ góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc NK nguyên phụ liệu, tăng tính chủ động cho sản xuất.
Như nhận xét của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhà máy nêu trên đáp ứng nhu cầu rất lớn giúp dệt may Việt Nam chủ động phụ liệu trong nước, chủ động được thời gian giảm chi phí vận tải, vận chuyển…Điều này tốt hơn là NK từ bên ngoài, đặc biệt là giảm nguồn cung thiếu hụt, giảm NK, giúp tăng thặng dư về thương mại XK dệt may toàn cầu.
Câu chuyện cũ nhưng vẫn rất thời sự
Nên biết thêm đây là nhà máy công nghiệp hiện đại thứ hai được Tập đoàn Weixing xây dựng ở nước ngoài sau Nhà máy Công nghiệp SAB Bangladesh. Trong khi đó, cuộc so kè về XK dệt may giữa Việt Nam và Bangladesh đã được đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây, nhất là ở nhiều trường hợp đơn hàng đã tuột khỏi tay của các DN Việt và được chuyển đến đối thủ cạnh tranh này.
Trong báo cáo gần đây về ngành dệt may năm 2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI có dẫn khảo sát các DN bán lẻ lớn thì Việt Nam vượt trội hơn so với Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về giá thành và thuế, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu suy yếu. Điểm đáng lưu tâm là trong khi Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhưng những quy định đặt ra từ nguồn gốc xuất xứ vải trở đi (sản phẩm may mặc xuất khẩu phải được sản xuất từ vải sản xuất tại Việt Nam) là trở ngại cho ngành - cụ thể, 70% vải được NK từ Trung Quốc.
Ngoài ra, theo SSI, do nhu cầu suy yếu đối với hàng may mặc dẫn đến nhu cầu cho nguyên liệu đầu vào giảm, như sợi bông và sợi polyester. Mặc dù vậy, chi phí sợi/vải trung bình giảm sẽ bù đắp một phần cho giá bán trung bình giảm.
Còn theo dữ liệu từ Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), tính riêng hai tháng đầu của năm 2024 tổng kim ngạch NK nguyên liệu ngành dệt may (gồm bông, xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu), tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,1 tỷ USD. Điều này cũng phần nào cho thấy để chuẩn bị phục vụ cho sản xuất thì các DN đang gia tăng hàng tồn kho nguyên vật liệu, nhất là giá trị NK nguyên phụ liệu dệt may đã dần khả quan hơn từ quý 3/2023 cho đến nay.
Nói chung, nhìn vào tình hình hiện tại sẽ thấy việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK từ Trung Quốc vẫn là câu chuyện cũ nhưng vẫn rất thời sự. Câu hỏi đặt ra là tiếp tục chấp nhận phụ thuộc NK hay là linh hoạt NK và tăng đầu tư để nâng tỷ lệ nội địa hóa?
Có thể nói “bài toán” giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập, tự chủ nguồn cung nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành dệt may trên thực tế chưa có ngay lời giải nếu như thiếu linh hoạt đầu tư vào công nghiệp phụ trợ.
Nếu nhìn vào câu chuyện Tập đoàn Weixing xây dựng nhà máy phụ liệu may mặc tại Việt Nam để thấy đó là điều mà các DN dệt may nội địa và nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm.
Nhất là làm sao để những DN có tiềm lực mạnh trong nước mạnh dạn đầu tư xây dựng những nhà máy có công suất lớn để cung ứng nguyên phụ liệu dệt may. Bên cạnh đó là cần thêm những chính sách có tính hiệu quả cao nhằm khuyến khích các DN nội địa đầu tư, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hàng dệt may xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu xanh.
Thế Vinh