VN-Index tháng 4 đối diện với xác suất điều chỉnh lớn khi tới ngưỡng kháng cự mạnh sau 5 tháng kéo dài đà tăng. Dù vậy, tâm lý nhà đầu tư dường như đang rất tích cực khi dòng tiền bắt đầu nhập cuộc mạnh mẽ hơn. Do đó, chiến lược “theo dấu dòng tiền” vẫn được các chuyên gia đánh giá là khả quan trong bối cảnh hiện nay.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tháng 3 với nhiều diễn biến khó lường, các phiên rung lắc rất mạnh cùng thanh khoản tăng vọt so với những tháng trước. Riêng trên HoSE, khối lượng giao dịch bình quân đạt 1,03 tỷ cổ phiếu/phiên, tăng mạnh 25% so với mức bình quân của tháng 2 và tăng vọt 43% so với tháng 1.
VN-Index đối diện với áp lực điều chỉnh
Hiện tại, các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang nghiêng về khả năng điều chỉnh nhiều hơn, nhất là khi VN-Index cũng đang giao dịch gần với ngưỡng kháng cự mạnh tại đường băng trên của kênh xu hướng tăng kéo dài gần 5 tháng qua. Do đó, xác suất tháng 4 dự báo sẽ ghi nhận một đợt điều chỉnh khá lớn.
Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường điều chỉnh nhiều hơn.
Nhìn vào dữ liệu trong quá khứ, giai đoạn 2020-2023, chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng trung bình 2,3% trong tháng 4, cao thứ 4, chỉ sau mức tăng trưởng của tháng 1, tháng 8 và tháng 11. Có một số năm chứng kiến thị trường lao dốc mạnh trong tháng 4 với mức sụt giảm lên đến hai chữ số như năm 2007, 2018 hay 2022, nhưng cũng có những năm tăng rất mạnh nhờ đón nhận nhiều thông tin tích cực. Trong hai năm gần nhất là 2022 và 2023, VN-Index đều đi xuống.
Dù vậy vẫn xuất hiện yếu tố được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến diễn biến thị trường thời gian tới; hoặc nếu không thể tiếp tục đi lên mạnh mẽ thì ít nhất cũng ngăn chặn các đợt điều chỉnh giảm mạnh. Đó là hiệu ứng kết quả kinh doanh quý I/2024 và tháng 4 cũng là mùa cao điểm họp đại hội đồng cổ đông thường niên, nơi các thông tin về chiến lược, kế hoạch của các doanh nghiệp được công bố.
Tuy nhiên, quá khứ cũng cho thấy trong những thời điểm thông tin tốt đẹp nhất được công bố cũng là lúc các nhà đầu tư "tay to" tận dụng cơ hội để thoát hàng. Hơn nữa, nỗi lo sợ “Sell in May” có thể thúc đẩy một bộ phận nhà đầu tư hành động sớm trong tháng 4. Thông thường, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5, nhà đầu tư có xu hướng bán ra mạnh mẽ để hạn chế tác động bất ngờ từ thị trường quốc tế cũng như các thông tin tiêu cực trong nước có thể xuất hiện trong kỳ nghỉ.
Mặt khác, các số liệu vĩ mô quý I/2024 được công bố vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 cũng sẽ có những tác động mạnh đến TTCK. Trong đó, chỉ số tăng trưởng GDP đang được đón chờ nhất, vì có thể phản ánh xem nền kinh tế có đang thật sự hồi phục hiệu quả hay không. Ngân hàng Standard Chartered mới đây dự báo GDP quý I có thể tăng 6,1%, trong khi Ngân hàng UOB cho rằng chỉ có thể đạt 5,5%. Sự phân hóa trong quan điểm dự báo của các tổ chức quốc tế phần nào cho thấy bức tranh kinh tế vĩ mô hiện nay khá khó lường.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần theo dõi chặt chẽ thêm diễn biến thị trường ngoại hối trong tháng 4, với tỷ giá USD/VND thời gian qua vẫn chịu áp lực không nhỏ. Áp lực mất giá tiền đồng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng xấu đến TTCK trong thời gian qua, khi tác động đến chiến lược giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu áp lực gia tăng, việc bán ròng của khối ngoại có thể tiếp tục.
Lãi suất cũng là biến số cần phải quan tâm trong bối cảnh nhà điều hành vẫn liên tục hút ròng tiền đồng qua kênh tín phiếu, cũng như dự báo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có thể nhanh hơn từ đầu quý II. Diễn biến các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất đầu vào trong những ngày gần đây là một điểm sáng, việc NHNN yêu cầu các ngân hàng phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân trước ngày 1/4 và định hướng giảm thêm lãi suất cho vay là những yếu tố hỗ trợ khác.
Chiến lược "theo dấu dòng tiền"
Một yếu tố cần chú ý hơn cả đó là tâm lý nhà đầu tư dường như đang rất tích cực. Điều này được thể hiện qua việc lượng tiền bên ngoài TTCK bắt đầu nhập cuộc mạnh mẽ hơn, khối lượng giao dịch khớp lệnh vượt 1 tỷ cổ phiếu xuất hiện ngày càng nhiều, VN-Index vẫn “xanh” bất chấp những thông tin tiêu cực xuất hiện. Có thể thấy, thị trường đang được dẫn dắt bởi dòng tiền và sự vận động của dòng tiền sẽ là yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá cổ phiếu. Và chiến lược “theo dấu dòng tiền” vẫn được các chuyên gia đánh giá là khả quan trong bối cảnh hiện nay.
Trong tháng 3, nhóm bất động sản sau khi dòng tiền "rút về đáy" đã có sự hồi phục đáng kể với tỷ trọng 21,5%, vượt trội so với nhóm ngân hàng (17,8%) và chứng khoán (15,5%). Trong khi đó, các ngành như đầu tư công, điện, sản xuất dầu khí dường như vẫn bị dòng tiền lãng quên.
Theo bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup, tháng 4, nhóm tiếp tục có dòng tiền duy trì là bất động sản và dầu khí. Thực tế, tỷ trọng dòng tiền trong hai nhóm này đã tăng trở lại trong thời gian gần đây song vẫn cách khá xa so với đỉnh cũ.
Ngược lại, nhóm có rủi ro dòng tiền rút ra dự báo là nhóm ngân hàng, chứng khoán và thép. Riêng nhóm ngân hàng, dù dòng tiền hiện tại vẫn đang ở mức cao nhưng đang có dấu hiệu đi xuống rõ rệt trong những tháng gần đây.
Nhóm chứng khoán cũng đã duy trì tỷ trọng thanh khoản cao trong lịch sử, nếu không có những yếu tố mới và câu chuyện hỗ trợ sâu rộng hơn cho ngành thì rủi ro dòng tiền rút mạnh là khá cao. Tương tự, dòng tiền tại nhóm thép cũng có dấu hiệu suy giảm.
Bên cạnh đó, nhóm theo dõi tín hiệu dòng tiền vào là xây dựng, điện và sản xuất dầu khí. Với nhóm xây dựng, tỷ trọng thanh khoản đang neo ở vùng đáy dài hạn, trong khi những câu chuyện liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công nửa cuối năm kỳ vọng sẽ tích cực hơn nhờ quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp.
Nhóm điện cũng có tỷ trọng thanh khoản duy trì ở mức đáy của 3 năm. Câu chuyện kỳ vọng cho nhóm này tới từ nhu cầu điện tăng cao trong mùa hè sắp tới và nhóm điện than có thể "gồng gánh" cho thuỷ điện.
Nhóm sản xuất dầu khí cũng được kỳ vọng có sự hồi phục về cầu sản xuất, đi lại khi hoạt động sản xuất nửa cuối năm kỳ vọng tích cực hơn.
Về triển vọng nhóm ngành trong tháng 4, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Phân tích FIDT cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm các nhóm ngành có câu chuyện riêng mạnh.
Đầu tiên là nhóm dầu khí thượng nguồn với câu chuyện FID dự án Lô B sẽ được ký kết trong tháng 4 sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực giúp nhiều cổ phiếu có thể hưởng lợi như PVS, PVS, PVB.
Thứ hai là chứng khoán. Hệ thống KRX dự kiến được đưa vào vận hành đầu tháng 5 và triển vọng nâng hạng vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho nhóm này. Tuy nhiên, nhóm chứng khoán sẽ có sự phân hoá.
Bất động sản cũng được kỳ vọng tiếp tục hút tiền, vì thông thường một nhóm ngành có thể duy trì sức hấp dẫn với dòng tiền trong khoảng 3 tháng. Bên cạnh đó, nhóm này còn có thể hưởng lợi nhờ các luật liên quan bất động sản được điều chỉnh thời hạn áp dụng sớm hơn và đã có nhiều dấu hiệu hồi phục.