Nhiều doanh nghiệp vẫn than khó khăn về thị trường, trong khi các kênh huy động vốn chưa được khơi thông. Trong bối cảnh khó khăn, việc tìm ra động lực tăng trưởng mới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội, những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục phải đối mặt như thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, thủ tục hành chính rườm rà…
‘Đói’ đơn hàng, thiếu việc làm
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC), nhìn nhận quý I/2024 kinh tế Việt Nam khởi sắc, GDP đạt 5,66% nhưng còn những vướng mắc. Trong đó, ngành xây dựng dường như có nghịch lý là chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp xây dựng cao nhưng doanh nghiệp kêu khó.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy 55,1% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhìn nhận nhu cầu thị trường trong nước ở mức thấp.
Theo ông Hiệp, nhiều công ty xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc không có việc làm. Đáng lo ngại, tình trạng nợ đọng mà các nhà thầu xây dựng đang gặp phải.
Ông Hiệp dẫn chứng báo cáo tài chính từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho thấy: Đến ngày 31/12/2023, khoản phải thu của tập đoàn là 10.669 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản), doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 2.476 tỷ đồng nợ khó đòi. Trong khi đó, nợ phải trả của Hòa Bình là 15.156 tỷ đồng (nợ vay là 4.718,3 tỷ đồng).
"Công ty xây dựng kêu nợ đọng kinh khủng, u ám lắm. Công ty không có nợ đọng đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, cần có cuộc cách mạng trong ngành xây dựng, xử lý mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu", ông Hiệp kiến nghị.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế-xã hội tích cực trong quý I/2024. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng 5,66% trong quý (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn so với mức tăng trong cùng kỳ các năm 2020-2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng cần lưu ý một số diễn biến để tập trung xử lý. Thực tế, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy 55,1% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhìn nhận nhu cầu thị trường trong nước ở mức thấp, và 34,2% nhìn nhận nhu cầu thị trường quốc tế ở mức thấp trong quý I/2024. Mặc dù đã tăng lên trên mốc 50 trong 2 tháng đầu năm, chỉ số PMI tháng 3 năm 2024 đã giảm xuống 49,9, cho thấy một dấu hiệu lo ngại khác về thị trường đầu ra.
“Những trao đổi của chúng tôi với cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây cũng cho thấy không ít lo ngại về các quy định của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hay quy định chống phá rừng (EUDR)”, bà Minh cho biết.
Hay một chỉ số đáng lo ngại được Viện trưởng CIEM nêu ra là giải ngân tín dụng còn tương đối chậm. Tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 25/3/2024 chỉ đạt 0,26% so với cuối năm 2023 (trong khi mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2023 là 1,99%). Mức tăng trưởng tín dụng này còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 (15%). Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát so với mức lạm phát, nên dư địa tiếp tục giảm lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay là khó khả thi.
Trước thực tế trên, Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam cần quyết liệt hơn để cải cách thể chế giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. Nội lực ấy không chỉ giới hạn ở lượng tiền, vàng và các tài sản khác mà người dân Việt Nam đang nắm giữ. Thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” quan trọng.
Động lực tăng trưởng mới ở đâu?
Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, nếu xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách với mức trung bình của OECD về các rào cản thương mại và đầu tư, Việt Nam có thể tăng GDP bình quân đầu người thêm 1% sau 01 năm, và 7,3% sau 10 năm tiến hành cải cách (so với kịch bản không cải cách).
Đáng chú ý, Viện trưởng CIEM cho rằng, cần lưu tâm đến cả những nội lực khác của nền kinh tế, gắn với quy mô dân số đã vượt 100 triệu dân, gắn với tầng lớp thu nhập trung bình có thể đạt hơn 50 triệu người vào năm 2050, thế hệ “Gen Z” đang ngày một mở rộng, và nguồn tài nguyên dữ liệu nhiều tiềm năng. Theo đó, Việt Nam cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động-sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để khơi thông nguồn lực, kênh huy động vốn, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, nhấn mạnh thị trường trái phiếu cần cởi mở, không bó chặt nhưng cũng không nới lỏng. Ông cho rằng, việc cho phép các ngân hàng được phép mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng là cần thiết để khôi phục thị trường trái phiếu. Đồng thời, các dự án đầu tư công cần đặt hàng các tập đoàn trong nước, ví dụ như ngành công nghiệp đường sắt để khơi thông nguồn lực.
Về phía doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế (trong 6 tháng thuế VAT, thuế TNDN, thuế nhập khẩu). Thuế Đất tiếp tục giảm 50% (trước đây đã giảm 30%), cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và 6 tháng 2025).
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thiết thực và hiệu quả với phương châm phục vụ doanh nghiệp, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như là nguyên liệu chính trong hoạt động của doanh nghiệp: điện, nước, xăng dầu…. thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; tạo nhiều mặt bằng sạch cho doanh nghiệp dễ tiếp cận để thúc đẩy đầu tư sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn để đổi mới công nghệ sản xuất xanh phát triển bền vững.
Lê Thúy
Link gốc