• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.244,75 -1,34/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:35:01 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.244,75   -1,34/-0,11%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,39/-0,18%  |   UPCOM-INDEX   92,98   +0,14/+0,15%  |   VN30   1.311,87   -2,94/-0,22%  |   HNX30   460,68   -1,12/-0,24%
22 Tháng Giêng 2025 11:43:40 SA - Mở cửa
Sẽ có thêm hãng bay giá rẻ đến Việt Nam?
Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng | 05/04/2024 8:57:08 SA

Những ngày gần đây, thông tin hãng hàng không giá rẻ AirAsia lại tìm đường vào Việt Nam đang thu hút được nhiều sự quan tâm. Bởi không ít người cho rằng, khi có thêm hãng bay giá rẻ cuộc chơi ở thị trường Việt Nam sẽ “sòng phẳng” hơn, chứ không thể gọi “giá rẻ chất lượng kém”.

Theo hãng tin Bloomberg, hãng hàng không giá rẻ AirAsia đang tìm cách thành lập các đơn vị kinh doanh ở Singapore và Việt Nam, nhằm mở rộng sự hiện diện của mình ở thị trường Đông Nam Á. AirAsia là hãng hàng không đến từ Malaysia, với quy mô đội bay lên tới hơn 200 máy bay.

Nếu xét riêng mảng hàng không giá rẻ tại khu vực Đông Nam Á, đây là hãng hàng không lớn nhất khu vực. Hãng này đã 14 lần liên tiếp được bình chọn là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới, tại giải thưởng hàng không thế giới Skytrax. AirAsia đang hoạt động ở Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia.

Tại Việt Nam, hãng hàng không giá rẻ này chưa có pháp nhân, mà chỉ đang khai thác các chặng bay quốc tế trên các tàu bay mang quốc tịch nước ngoài, chủ yếu bay từ Việt Nam sang Malaysia và Thái Lan, sau đó nối chuyến đi tới các điểm khác.

Thực tế đây không phải lần đầu tiên hãng bay AirAsia muốn tiến vào thị trường Việt Nam, một thị trường luôn được đánh giá quan trọng ở khu vực Đông Nam Á của hãng. Trước đó, hãng hàng không giá rẻ này đã có 4 lần gia nhập không thành công. Năm 2005, AirAsia tham gia cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines.

Tuy nhiên, phần thắng lại thuộc về Tập đoàn Qantas của Australia. Lần thứ hai, năm 2007, AirAsia góp 30% vốn liên doanh với Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để thành lập hãng hàng không. Tuy nhiên, thương vụ này cũng không thể thành công, do Chính phủ không cho phép Vinashin tham gia phát triển và kinh doanh lĩnh vực vận tải hàng không.

Lần thứ ba, AirAsia muốn hợp tác với Vietjet Air để lập hãng hàng không nhưng cũng bất thành. Lần gần nhất diễn ra vào tháng 4-2019, khi AirAsia thất bại trong việc liên doanh với Thiên Minh Group.

Lần này, theo nhiều đánh giá thị trường Việt Nam đang có nhiều khoảng trống để AirAsia bước vào. Nếu tính về những “ông lớn” ở thị trường Việt Nam, chỉ có Vietnam Airlines và Vietjet, trong đó Vietjet là mô hình hãng hàng không giá rẻ. Còn 2 cái tên khác là Bamboo Airway đang phải tái cấu trúc sau khi trải qua nhiều khó khăn; Vietravel Airline cũng là cái tên còn khá mới.

Tất nhiên sau 4 lần thất bại trong gần 20 năm qua, lần này cũng khó nói trước hãng bay giá rẻ của Maylaysia này có thể thành công bước vào thị trường Việt Nam hay không. Nhưng có một điều dễ nhận thấy, khá nhiều người tiêu dùng đang mong chờ một kết cục có hậu cho “sự kiên trì” của AirAsia. Bởi suy cho cùng, người tiêu dùng mong muốn chính là có thêm hãng bay giá rẻ để sự cạnh tranh trên thị trường được sòng phẳng hơn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, nhất là trong các đường bay nội địa.

Không thể phủ nhận việc có hãng bay giá rẻ Vietjet đã mang lại cơ hội đi lại thuận lợi hơn, với mức giá vừa túi tiền hơn cho rất nhiều người trên nhiều chặng bay cả trong và ngoài nước. Đó cũng là lý do Vietjet đã phát triển rất nhanh kể từ khi hãng này chính thức có mặt trên thị trường.

Dịch vụ mà chỉ có một đương nhiên không thể khiến người tiêu dùng hài lòng. Vậy nên nếu AirAsia vào được thị trường Việt Nam như kế hoạch, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi đầu tiên. Bởi họ có quyền lựa chọn dịch vụ họ muốn, giá vé lúc này có lẽ cũng cạnh tranh hơn, có khi còn mua được nhiều vé giá rẻ hơn mong đợi. Đặc biệt trong những dịp cao điểm, khách sẽ có thêm lựa chọn, sẽ giảm đi cảnh trả giá cao cũng không có vé để mua như đã xảy ra hồi Tết Nguyên đán vừa qua.

Hiện nay xu hướng phát triển hàng không giá rẻ đã được nhiều hãng tính đến, bởi đó là lựa chọn của nhiều du khách. Chỉ tính riêng tại khu vực Đông Nam Á, báo cáo “Dự báo thị trường thương mại” của Boeing năm 2023 cho thấy nhiều con số đáng chú ý.

Theo đó, các hãng hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á sẽ có thêm hơn 2.000 chiếc máy bay phản lực một lối đi trong vòng 20 năm tới, chiếm gần 2/3 trên tổng 3.390 đơn hàng máy bay một lối đi dự kiến sẽ giao trong khu vực. Vào năm 2042, hàng không giá rẻ sẽ vận chuyển 56% lượng khách, so với 22% trong năm 2012.

Ông Dave Schulte, Tổng giám đốc tiếp thị mảng thương mại Boeing khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Thị trường Đông Nam Á mở cửa trở lại sẽ khiến lưu lượng hàng không tăng trưởng một cách đáng kể. Mở rộng kết nối, du lịch và vé máy bay giá rẻ sẽ tiếp tục giúp tăng trưởng du lịch, nhất là khi lượng người thuộc giới trung lưu ngày càng đông đảo trong khu vực. Vai trò của hàng không giá rẻ vẫn sẽ tiếp tục được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch hàng không của người dân”.

Đối với thị trường hàng không Việt Nam, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và những hệ quả để lại, trong năm 2023, thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng so với thời điểm trước dịch Covid-19, thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục trở lại.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không Việt Nam cũng nằm trong xu thế của thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2024. Dự báo, tổng nhu cầu vận chuyển hành khách bằng đường hàng không năm 2024 ước khoảng 84,2 triệu khách, tăng 15% so với năm 2023 và tăng 6% so với năm 2019.

Trong đó vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 41,5 triệu khách, tăng 3,3% so với năm 2023 và tăng 11% so với năm 2019; vận chuyển hành khách quốc tế đạt khoảng 42,7 triệu khách, tăng 15,8% so với năm 2023 và tăng 6,4% so với năm 2019.

Nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không tại thị trường Việt Nam trong những năm tới sẽ còn tăng lên, và việc có thêm hãng hàng không, nhất là hàng không giá rẻ là điều nhiều người mong chờ.

Nếu xét rộng ra, việc có thêm một hãng hàng không giá rẻ sẽ có tác động tích cực đến phát triển du lịch, nhất là du lịch nội địa. Thời gian qua chúng ta liên tiếp được nghe thông tin một số điểm đến du lịch mà phần đông du khách di chuyển bằng máy bay, đã phải đối mặt với tình trạng ế khách ngay mùa cao điểm.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân lớn nhất là giá vé máy bay quá cao, khiến du khách “quay lưng” với điểm đến đó. Chúng ta đang đưa ra nhiều phương án để hút khách quốc tế quay lại thị trường Việt Nam, nếu thị trường du lịch bị bỏ ngỏ vì vé máy bay quá cao thì thật đáng tiếc.

ĐỨC MẠNH