Giá tiêu hôm nay (5/4) trong khoảng 92.500 - 94.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg tại Gia Lai, giữ ổn định ở những địa phương so với cùng thời điểm hôm qua. Giá tiêu đang ở điểm "bão hòa" vì giằng co trong vùng 95.000 đồng/kg rất lâu, nhiều lần chinh phục đỉnh rồi lại tụt nhanh.
Giá tiêu đã giằng co ở mức 95.000 đồng trong thời gian khá lâu.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 94.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 92.500 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 92.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 93.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 93.000 đồng/kg.
Giá tiêu chỉ tăng ở Gia Lai và đi ngang ở các địa phương khác được cho là lực bán đã tăng vào cuối vụ. Dòng tiền cũng đang đổ dồn về cà phê khi mặt hàng này đã vượt mốc 100.000 đồng/kg và tiếp tục tăng mạnh từ đầu tuần.
Giá tiêu trong nước được đánh giá là đang ở điểm "bão hòa". Minh chứng cho thấy giá tiêu nội địa giằng co trong vùng 95.000 đồng/kg rất lâu, nhiều lần chinh phục đỉnh rồi lại tụt nhanh.
Nhưng có ý kiến cho rằng việc chênh lệch cung - cầu có thể khiến giá tiêu tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguồn cung tiêu của Việt Nam và các nước lớn trên thế giới giảm khiến thị trường tiêu toàn cầu thâm hụt vài chục nghìn tấn.
Giá hồ tiêu Việt Nam xuống đáy chỉ còn 34.000 đồng/kg vào tháng 3/2020, mức thấp nhất trong 10 năm. Từ giữa cuối năm 2020, giá tiêu đã tăng trở lại và đạt mức 89.000 đồng/kg vào đầu năm 2022. Từ tháng 3/2022 giá hồ tiêu liên tục giảm và thời điểm tháng 3/2023 ở mức 65.000 đồng/kg.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, giá tiêu trong nước tăng thêm 30.000 đồng/kg. Bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng. Ngoài yếu tố nội tại, nguyên nhân khiến giá hồ tiêu Việt Nam tăng cao là Brazil đã qua mùa thu hoạch, trong khi chính vụ của Indonesia hay Malaysia phải chờ tới tháng 7.
Giá tăng cao giúp người nông dân phấn khởi, tuy nhiên cũng gây ra những hệ lụy. Giá của mặt hàng nông sản này lên xuống thất thường khiến rất nhiều hộ nông dân rơi vào điệp khúc “chặt - trồng, trồng - chặt”.
Đến nay, giá tăng cao nhưng diện tích và sản lượng thì suy giảm trước sự gia tăng diện tích của một số cây trồng có lợi nhuận tốt hơn. Hồ tiêu Việt Nam từng chiếm tỷ trọng bình quân 40% sản lượng toàn cầu hằng năm, nhưng vào năm 2024 dự báo giảm xuống còn 31,8%.
Đó là chưa kể tình trạng giá nông sản tăng cao dẫn đến việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép mua ép bán, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… đã diễn ra phổ biến trong những năm gần đây
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 4.446 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 4.450 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.156 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 4.200 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 4.300 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 6.000 USD/tấn. IPC giữ ổn định giá tiêu các nước.
NY