Trong 4 tháng đầu năm 2024, tín dụng bất động sản tại TP.HCM đã tăng trưởng 1,61%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (1,31%) và chiếm 27% trong tổng dư nợ tín dụng…
Tín dụng bất động sản tại TP.HCM phục hồi, tăng 1,61% trong 4 tháng đầu năm - Ảnh minh họa.
Nếu như tín dụng bất động sản tháng 1/2024 giảm 0,49%, tháng 2/2024 giảm 0,01% thì đến tháng 3/2024 đã tăng 0,96% và tháng 4 tăng 1,15%. Đây là tháng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 tháng đầu năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hoạt động tín dụng bất động sản đang có xu hướng tăng trưởng qua từng tháng với những chuyển biến tích cực.
"Kết quả tăng trưởng tín dụng bất động trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm là do các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường. Trong đó, chính sách tín dụng và lãi suất thấp đã và đang không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người dân vay vốn trong lĩnh vực này, mà còn kích thích mở rộng và phát triển các hoạt động đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, lĩnh vực du lịch dịch vụ. Đồng thời, kích thích tiêu dùng và kinh doanh, có tác động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường từng bước cải thiện và tăng trưởng", Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Nếu phân tích dư nợ tín dụng bất động sản theo mục đích sử dụng, thì cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất; cho vay kinh doanh bất động sản và cho vay chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tốc độ tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực khác trong 4 tháng đầu năm 2024. Dư nợ cho vay đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2023.
Tín dụng cho vay mua nhà để ở, xây và sữa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở…(cho vay bất động sản với mục đích để sử dụng) vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 68% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn.
Hầu hết các chuyên gia nhận định, những khó khăn vướng mắc về mặt pháp lý được tháo gỡ khi các Luật Nhà ở, Luật Đất đai sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực; cùng với các hành động cụ thể như hoạt động của tổ công tác của Chính phủ, của UBND Thành phố về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án, cho doanh nghiệp; giải pháp phát triển thị trường trái phiếu để thị trường ổn định và phát triển cũng như tạo môi trường đầu tư thuận lợi; công tác cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện tốt… sẽ là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường tăng trưởng, qua đó duy trì xu hướng và tiếp tục kích thích tăng trưởng tín dụng bất động sản trên địa bàn trong thời gian tới.
Theo Tổng cục thống kê, tính đến hết ngày 20/4, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực đứng vị trí thứ hai trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào lĩnh vực này đã tăng hơn 4 lần.
Phạm Vinh-Link gốc