Mặc dù ghi nhận sự bứt tốc về kinh doanh nhưng trên thị trường, sau 6 tháng đầu năm chứng kiến biên độ tăng giá mạnh, cổ phiếu ngành bán lẻ lại có diễn biến đi ngang trong những tháng sau đó. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét nhóm cổ phiếu này nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của ngành trong những tháng cuối năm.
Theo Báo cáo chiến lược thị trường về kết quả kinh doanh quý 3 của Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM tăng 18,8% so với cùng kỳ, trong khi kết quả kinh doanh năm trước giảm tới 5,5% theo quý.
Dù vậy, quý 3 vẫn ghi nhận nhiều ngành dẫn đầu tăng trưởng mạnh mẽ, đáng chú ý nhất trong đó có ngành bán lẻ khi gây ấn tượng với mức tăng trưởng lợi nhuận tới 142% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp bứt tốc
Thế giới Di động (MWG) là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng này. Quý 3/2024, Thế Giới Di Động báo cáo doanh thu đạt 34.147 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, lãi sau thuế 806 tỷ đồng, gấp 21 lần.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Thế giới Di động ghi nhận 99.767 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ và 2.881 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 37 lần. Qua đó, công ty đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 120% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Ngành bán lẻ gây ấn tượng với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 142% so với cùng kỳ.
Không thua kém, trong quý 3, FPT Retail (FRT) ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.375 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Lãi ròng trong kỳ đạt 165 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 13 tỷ đồng trong quý 3/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của FPT Retail đạt 28.567 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và lãi ròng đạt 274,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ tới 225,7 tỷ đồng. Qua đó, công ty đã hoàn thành 76,5% kế hoạch doanh thu và 219,6% kế hoạch lãi cả năm nay.
CTCP Thế giới Số (Digiworld, mã: DGW) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với doanh thu thuần tăng 15% so cùng kỳ, đạt 6.226 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 19% lên gần 122 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 16.219 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 303 tỷ đồng, hoàn thành 62% kế hoạch năm.
Còn Tập đoàn Masan (MSN) lãi sau thuế quý 3/2024 đạt 1.301 tỷ đồng, gấp 2,7 lần kết quả thực hiện trong quý 3/2023 và cao nhất kể từ quý 2/2022; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ (lãi ròng) đạt 701 tỷ đồng, gấp gần 15 lần.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Masan đạt 60.476 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 2.726 tỷ đồng, tăng 101%; lãi ròng đạt 1.308 tỷ đồng, gấp 3,5 lần.
Năm nay, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7 - 15% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế 2.250 - 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận của Masan dự kiến tăng gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
Như vậy, so với kịch bản thấp nhất, Masan đã vượt mục tiêu lợi nhuận, còn so với kịch bản cao nhất thì hoàn thành 68%.
Chờ cổ phiếu bùng nổ trở lại
Mặc dù ghi nhận sự bứt tốc về kinh doanh nhưng trên thị trường, sau 6 tháng đầu năm chứng kiến biên độ tăng giá mạnh, cổ phiếu ngành bán lẻ lại có diễn biến đi ngang trong những tháng sau đó.
Giới phân tích cho rằng đây có thể là dấu hiệu của sự điều chỉnh ngắn hạn và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường với vị thế hợp lý. Nhờ vào tiềm năng tăng trưởng của ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm, nhà đầu tư có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
Theo Chứng khoán VPS, cuối năm luôn là thời điểm sôi động đối với hoạt động tiêu dùng nhờ vào hàng loạt các lễ hội lớn như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp thúc đẩy doanh thu, mà còn là lúc nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Với truyền thống văn hóa và sự kỳ vọng từ người tiêu dùng, các ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống, du lịch lữ hành đều đón nhận cơ hội phát triển đáng kể.
Thực tế, không chỉ khai trương nhiều điểm bán mới trong quý cuối năm, các nhà bán lẻ còn đang chuẩn bị kỹ hơn kế hoạch kinh doanh Tết nhằm gia tăng doanh thu tốt nhất có thể.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 của WinCommerce (đơn vị quản lý và vận hành chuỗi siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+ của Masan) ghi nhận thông tin tích cực, khi lần đầu tiên có lãi dương kể từ thời kỳ dịch COVID-19. Chỉ trong quý 3, hệ thống này đã mở thêm 60 cửa hàng, đến cuối tháng 9 có hơn 3.700 cửa hàng.
"WinMart, WinMart+ đã hoàn tất giai đoạn xác định các mô hình bán lẻ tối ưu. Trong thời gian tới, WinCommerce tập trung cho mục tiêu tăng trưởng có lợi nhuận, trung bình mỗi ngày mở 1 điểm bán mới và dự kiến cán mốc 4.000 điểm bán vào cuối năm nay" - bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce cho biết.
Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh đặt mục tiêu mở thêm 50 - 100 cửa hàng trong 6 tháng cuối năm nay. Ông Phạm Văn Trọng, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh cho biết việc mở mới các cửa hàng vẫn đang đi đúng hướng, trong đó có kế hoạch thăm dò tiếp 1 - 2 tỉnh chưa hề hiện diện trước đây.
Đồng thời, chuỗi Bách Hóa Xanh đã tìm được công thức mở mới hiệu quả, bao gồm vấn đề về tài chính, mặt bằng, đội ngũ nhân sự, đầu tư cơ bản... Trong năm 2025, chuỗi dự kiến khai trương 100 - 200 cửa hàng.
Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho biết chuỗi bán lẻ tạp hoá Bách Hóa Xanh có thể cân nhắc mở rộng ra thị trường miền Bắc trong năm 2025 và tự tin chuỗi bán lẻ này có thể đạt con số lợi nhuận nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 1 - 2 năm tới.
“Nhà đầu tư nên tập trung vào việc mua với tỷ trọng vừa phải, đặc biệt là đối với những cổ phiếu có tiềm năng trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng, như MWG, FRT và PNJ. Việc theo dõi sát sao các yếu tố vĩ mô và diễn biến thị trường trong quý cuối cùng của năm sẽ giúp nhà đầu tư tối ưu hóa danh mục”, VPS khuyến nghị.
Hải Giang-Link gốc