Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp hạn chế các loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện có.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng sáu tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường được thực hiện từ khá lâu và đã được cụ thể hóa sau khi hai nước nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.
Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26/7 tới.
Trong báo cáo thị trường chứng khoán mới phát hành, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, việc Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp hạn chế các loại thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện có, qua đó tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và cải thiện năng suất lao động, tránh bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời giúp thu hút “các gã khổng lồ” đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
BSC đánh giá, các ngành sẽ được hưởng lợi từ câu chuyện Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường gồm thủy sản (tỷ trọng xuất khẩu 19,5%), dệt may (tỷ trọng xuất khẩu 50%) và tôn mạ (tỷ trọng xuất khẩu 10-30% tuỳ doanh nghiệp).
Đối với ngành thủy sản, nhóm cá tra sẽ có thể tăng sản lượng xuất khẩu vào Mỹ nhờ thuế bán phá giảm. Hiện tại chỉ có một số ít doanh nghiệp được hưởng mức thuế bán phá giá 0 USD/kg như VHC, ANV, IDI.
Nhóm tôm (FMC, MPC) cũng tương tự nhóm cá, nhờ giảm thuế bán phá giá sẽ giúp các sản phẩm tôm đông lạnh tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ như Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ.
Đối với nhóm dệt may, nhóm sợi (STK) sẽ được hưởng lợi lớn do hiện tại sợi PTY (sợi dún polyester) đang được áp mức thuế chống bán phá giá từ 2,67% - 22,82%. Tuy nhiên với nhóm may mặc (TNG, MSH) sẽ tác động không nhiều, do thuế quan của ngành dệt may chủ yếu ảnh hưởng bởi các FTA (hiệp định thương mại tự do).
Nhóm tôn mạ được hưởng lợi do một số sản phẩm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp do có nguồn gốc thép cuộn cán nóng xuất xứ từ Trung Quốc.
Với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn khác như gỗ (54%), đá thạch anh (35-40%), săm lốp (20-30), BSC nhận định sẽ tác động không nhiều. Cụ thể, đối với các sản phẩm gỗ và đá thạch anh từ Việt Nam, Mỹ chủ yếu đánh các loại thuế chống lẩn tránh nhằm phòng vệ đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất sang Việt Nam và sau đó tái xuất sang Trung Quốc.
Với nhóm săm lốp, lốp bán thép và lốp tải nhẹ (CSM) có tác động tích cực do hiện đang chịu mức thuế 6% khi xuất khẩu sang Mỹ. Ngược lại, lốp tải nặng (DRC) không chịu thuế chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Mỹ.
Phạm Ngọc-Link gốc