Thị trường nửa cuối năm 2024 được dự báo tiếp tục phân hóa nhưng cơ hội đầu tư vẫn xuất hiện ở một số nhóm ngành.
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến hết phiên 3/7, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 12,3% với đà tăng mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu như nhóm công nghệ, viễn thông và bán lẻ.
Phân hóa cao
Thị trường chứng khoán tăng điểm trong bối cảnh số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh dần sáng hơn với sự tăng trưởng của GDP, sản lượng sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, FDI đăng ký và thực hiện đều tăng trưởng lạc quan.
Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường có sự phân hóa mạnh mẽ, cơ hội đầu tư không trải rộng và thậm chí nhiều nhà đầu tư vẫn trong tình trạng thua lỗ, hoặc có tỉ suất lợi nhuận thấp hơn thị trường chung.
Số liệu thống kê của NCĐT ở nhóm VN30 cho thấy có tới hơn 50% cổ phiếu thuộc nhóm này có mức tăng giá thấp hơn so với chỉ số chung và diễn biến giá giữa các cổ phiếu cũng có khoảng cách rất lớn. Theo đó, GVR, FPT, MWG và TCB là các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay với mức tăng trưởng hơn 50%, trong khi 30% cổ phiếu còn lại của nhóm VN30 có mức tăng thấp hơn trung bình của thị trường và hơn 23,3% cổ phiếu giảm giá.
Ngoài ra, các kênh khác như bitcoin, vàng nhẫn, vàng miếng hay USD có đà tăng giá rất ấn tượng cũng khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán có xu hướng “vào nhanh, ra nhanh” ở các nhóm ngành chứng khoán. Nhà đầu tư cũng tỏ ra thiếu sự chờ đợi khi có “nhiều cám dỗ” không chỉ ở các nhóm ngành khác mà còn ở những kênh đầu tư khác.
Chia sẻ với NCĐT, ông Phạm Hoàng Ân, Phó phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), đánh giá mặc dù kinh tế phục hồi rất ấn tượng, định giá chung của VN-Index đang ở mức tốt, nhưng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm có thể sẽ có tính phân hóa cao. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thiếu hụt của dòng tiền do các yếu tố liên quan đến lãi suất và tỉ giá hiện nay không ủng hộ thị trường, đà bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại với giá trị lên đến hơn 50.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Và kế hoạch phát hành tăng vốn của nhiều doanh nghiệp cũng làm ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường.
Cụ thể, việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn sẽ làm cho số lượng cổ phiếu trên thị trường tăng lên nhiều hơn. Nếu lượng tiền trên thị trường chứng khoán không tăng lên tương ứng, thị trường có thể sẽ bước vào pha điều chỉnh nhẹ.
Rào cản lớn cần vượt qua
Thị trường 6 tháng cuối năm dù được nhìn nhận có sự phân hóa nhưng các cơ hội đầu tư vẫn luôn hiện hữu. Chia sẻ với NCĐT, ông Hoàng Ân cho rằng một số nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trong nửa cuối năm bao gồm ngân hàng, bán lẻ và thủy điện. Các nhóm ngành khác có thể xuất hiện sự phân hóa trong ngành, tùy thuộc vào nội tại của từng doanh nghiệp.
Ngân hàng hiện nay là một trong những nhóm ngành có mức định giá rẻ nhất trên thị trường. Lợi nhuận của các ngân hàng đang dần hồi phục trở lại trong năm 2024 và sẽ có mức tăng trưởng tốt trong năm 2025 khi kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Nhóm ngành bán lẻ, tiêu dùng hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi chung của nền kinh tế. Nhóm ngành này thường sẽ có độ trễ so với sức khỏe của nền kinh tế. Nhóm ngành thủy điện sẽ hưởng lợi khi La Niña quay trở lại. Huy động điện từ nhóm thủy điện đã bắt đầu tăng lại từ tháng 6/2024.
Đánh giá về thị trường chung, ông Đồng Thanh Tuấn, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng VN-Index vẫn còn tiềm năng để duy trì xu hướng tăng và hướng đến vùng giá 1.320-1.340, tương ứng với mốc P/E bình quân 10 năm gần nhất. Tuy nhiên, đà tăng sắp tới sẽ không còn quá mạnh và hành động giá chủ yếu sẽ là liên tục biến động đi ngang trong biên độ lớn. Dự kiến diễn biến này sẽ kéo dài đến giữa tháng 7 năm nay khi thị trường dần đi vào vùng trống thông tin và nhà đầu tư đồng thời trở nên thận trọng trước khi đón nhận mùa báo cáo tài chính mới của quý II.
Theo ông Tuấn, việc thị trường có khả năng thiếu đi động lực tăng điểm mạnh mẽ phần lớn đến từ diễn biến giao dịch có phần suy yếu tại hàng loạt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngành ngân hàng và bất động sản, trong khi các nhóm ngành còn lại dù triển vọng có phần tích cực hơn nhưng sức ảnh hưởng nhìn chung là không đáng kể khi so sánh với tổng tỉ trọng vốn hóa lên đến hơn 51% của ngành ngân hàng và bất động sản.
Ngành ngân hàng dù ghi nhận tăng trưởng tín dụng có phần tăng tốc nửa đầu tháng 6 với mức tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023 nhưng kết quả hiện tại sẽ khó được phản ánh vào lợi nhuận trong quý II năm nay.
Đối với nhóm bất động sản, triển vọng chung vẫn còn nhiều ẩn số khi động thái áp dụng sớm đối với 3 bộ luật quan trọng là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vẫn đang chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn. “Qua đó, bức tranh lợi nhuận quý II/2024 sẽ là rào cản lớn cần vượt qua đối với VN-Index trong 2 tháng tiếp theo”, ông Tuấn chia sẻ.