• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.258,63 -3,15/-0,25%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.258,63   -3,15/-0,25%  |   HNX-INDEX   225,88   +0,32/+0,14%  |   UPCOM-INDEX   92,46   +0,14/+0,15%  |   VN30   1.333,85   -1,91/-0,14%  |   HNX30   486,10   +1,50/+0,31%
31 Tháng Mười 2024 4:29:50 SA - Mở cửa
Chuyên gia IMF: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh nhờ những hành động quyết liệt
Nguồn tin: vietnamplus | 12/07/2024 9:57:27 SA
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 đang trên đà hồi phục nhanh chóng, với mức tăng trưởng tăng lên 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
 
May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tinh Lợi, Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
 
Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Washington D.C, ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 đang trên đà hồi phục nhanh chóng sau giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
 
Theo ông Paulo Medas, Việt Nam tiếp tục hội nhập và nền kinh tế đã thực sự phục hồi với mức tăng trưởng tăng lên mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, một phần nhờ vào xuất khẩu mạnh và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một yếu tố nữa là hiệu quả của những hành động của chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ví dụ như việc cắt giảm lãi suất, gia tăng đầu tư công và tăng lương cũng góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh.
 
Đánh giá về triển vọng 6 tháng cuối năm 2024, ông Medas kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Tốc độ tăng trưởng của cả năm 2024 sẽ chậm lại phần nào, chủ yếu do nền kinh tế đã phục hồi từ cuối năm 2023 và tăng tốc mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024.
 
IMF dự báo mức tăng trưởng năm 2024 sẽ thấp hơn một chút so với nửa đầu năm, nhưng nhìn chung vẫn sẽ ở mức trên 6%.
 
Về lạm phát, ông Medas cho biết lạm phát của Việt Nam đã tăng và hiện ở mức khoảng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6.
 
IMF dự báo tỷ lệ lạm phát có khả năng sẽ duy trì ở mức gần với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 4,5%.
 
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những rủi ro khi đồng Việt Nam mất giá. Tiền lương khu vực công đang tăng lên có thể dẫn đến nhiều rủi ro hơn về lạm phát. Vì vậy, ông Medas cho rằng điều rất quan trọng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ, có thể cần phải có biện pháp điều tiết.
 
 
Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). (Ảnh: TTXVN phát)
 
Đánh giá về kịch bản lãi suất cao được duy trì trong thời gian dài ở nhiều nước trên thế giới, ông Medas cho rằng điều này có thể xảy ra do diễn biến lạm phát ở Mỹ và châu Âu không tiến triển nhanh như kỳ vọng.
 
Vì vậy, nếu tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của các nước này chậm lại và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 do xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này chậm lại.
 
Mặt khác, Việt Nam đang giữ lãi suất ở mức rất thấp để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Nếu lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao, điều này có thể dẫn đến nhiều áp lực khiến đồng Việt Nam mất giá nhiều hơn.
 
Vì vậy, nếu những áp lực này tiếp tục diễn ra có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát cao hơn. Điều này có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải theo dõi cẩn thận và có hành động khi cần thiết.
 
Về những khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2024, ông Medas đánh giá những năm gần đây tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không ổn định do tình hình thế giới ngày càng biến động và có rất nhiều cú sốc.
 
Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi trong xuất khẩu do những tác động tích cực từ tình hình kinh tế Mỹ và thế giới nói chung. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro.
 
Theo IMF, rủi ro chính là nếu nền kinh tế toàn cầu không tăng trưởng như mong đợi sẽ gây tổn hại cho xuất khẩu. Ngoài ra, tất cả những xung đột trên khắp thế giới cũng có thể làm tăng chi phí thương mại.
 
Ví dụ, vấn đề ở Trung Đông làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, vận chuyển tàu biển và có tác động lớn đến chi phí của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, IMF vẫn kỳ vọng một năm tốt đẹp cho xuất khẩu, bên cạnh những rủi ro từ điều kiện toàn cầu.
 
Khuyến nghị về mặt chính sách để Việt Nam vượt qua các thách thức hiện nay, ông Medas cho rằng hiện nay chính phủ đã có những biện pháp khá quyết liệt để giúp nền kinh tế tăng trưởng sau những cú sốc năm 2022 và đầu năm 2023.
 
Theo ông, điều này rất quan trọng và cần được tiếp tục. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải cân bằng giữa phục hồi kinh tế với quản lý rủi ro lạm phát. Ông Medas cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng hành động trong trường hợp lạm phát tăng cao.
 
Mặt khác, ông Medas cho rằng Việt Nam cần quan tâm đến tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. IMF đang thực hiện một nghiên cứu sâu hơn về những gì có thể xảy ra đối với tăng trưởng trung hạn ở Việt Nam.
 
Theo ông Medas, trong 15-20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã thực sự phát triển mạnh mẽ. Sự tăng trưởng của Việt Nam cao hơn mức trung bình của các thị trường mới nổi trên thế giới, đang thực sự đạt hiệu quả đáng kinh ngạc và đang hướng tới những chính sách tốt.
 
Tuy nhiên, có những yếu tố đang thay đổi như nhân khẩu học. Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ dân số trẻ ngày càng tăng. Tuy nhiên dân số Việt Nam đang bắt đầu già đi và sẽ làm giảm sự tăng trưởng trong tương lai.
 
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng là biến đổi khí hậu. Đây là những yếu tố lớn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
 
Một lĩnh vực quan trọng khác mà IMF khuyến nghị đối với Việt Nam là năng suất. Tăng trưởng năng suất của Việt Nam tiếp tục thấp hơn so với các nước trên thế giới. Do vậy những cải cách để tăng năng suất cao hơn có thể bù đắp cho vấn đề nhân khẩu học trong tương lai.
 
Một trong những lĩnh vực khác mà IMF đã thảo luận với Chính phủ Việt Nam là về việc thực hiện nhiều cải cách hơn, chẳng hạn như cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm cả năng lượng và năng lượng tái tạo.
 
Ông Medas cho rằng đây là những điều thực sự quan trọng mà chính phủ Việt Nam đã và đang làm, nhưng cần tiếp tục thực hiện, nhất là đẩy nhanh các cải cách về khí hậu.
 
Một khía cạnh khác quan trọng cho tăng trưởng mà ông Medas khuyến nghị là Việt Nam cần có thị trường vốn tốt. Theo ông, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần có thể chế tốt, quản trị kinh tế minh bạch để hoạt động hiệu quả.
 
Ông cho rằng chính phủ Việt Nam đã bắt đầu quá trình cải cách để phát triển thị trường vốn. Nếu Việt Nam thành công và có một hệ thống ngân hàng vững chắc, hiệu quả, minh bạch thì Việt Nam có thể phân bổ tiền tiết kiệm tốt hơn cho các doanh nghiệp có năng suất cao và điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
 
Chuyên gia IFM cho rằng đây là một số cải cách quan trọng để Việt Nam nâng cao năng suất thời gian tới./.
 
Hồng Nguyên - Kiều Trang - Đoàn Hùng