Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, đồ uống có đường sẽ bị áp thuế - Ảnh: AFP
Ngày 11-7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Theo chương trình, dự luật sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Sau khi thảo luận tại hai kỳ họp Quốc hội, dự kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tới và áp dụng từ 1-1-2026.
Nhiều ý kiến tập trung tranh luận về nội dung mà Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo luật là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Góp ý chia làm hai luồng ý kiến trái chiều nhau.
Doanh nghiệp phản đối đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường
Phát biểu tại hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam - đề xuất Bộ Tài chính chưa bổ sung đồ uống có đường vào dự thảo luật lần này.
Bởi nước uống có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calo duy nhất và cao nhất. Đây cũng không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Cũng chung kiến nghị Bộ Tài chính không đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đại diện Công ty Tân Hiệp Phát băn khoăn nếu chính sách này được thực thi sẽ không công bằng.
Vì những sản phẩm có sử dụng đường lại không thuộc diện bị áp sắc thuế này.
Mặt khác, liệu việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước uống có đường có giảm bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường ở người dùng hay không?
Bà Nguyễn Việt Hà - phó giám đốc AmCham - nhận định áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường có thể dẫn tới giảm tiêu thụ sản phẩm này. Như theo báo cáo của Bộ Tài chính, mục tiêu đặt ra là giảm 20% tiêu thụ mặt hàng này.
Tuy nhiên kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc giảm lượng tiêu thụ với đồ uống có đường không đồng nghĩa giảm các bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường…
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Hà cho hay nhiều nước không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, mà áp dụng các biện pháp hạn chế quảng cáo đồ uống có đường, hướng dẫn sử dụng thực phẩm lành mạnh. Đây cũng là giải pháp mà Việt Nam có thể tham khảo.
Chuyên gia dinh dưỡng nói cần đánh thuế vì nước ngọt không có gì ngoài đường
Tuy nhiên, dưới góc độ của chuyên gia về sức khỏe, bà Trương Tuyết Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho rằng tất cả văn bản y văn thế giới đã khẳng định tác hại của việc tiêu thụ liên tục đồ uống có đường.
Béo phì bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có đồ uống có đường. Nếu tiếp tục đồng bộ giải pháp trong đó có thuế sẽ giảm tỉ lệ đái tháo đường, béo phì. Với việc đánh thuế, chắc chắn là thay đổi hành vi tiêu dùng.
Vị chuyên gia dinh dưỡng này cũng khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất đồ uống có đường cần thay đổi công nghệ, giảm lượng đường trong sản phẩm xuống một chút để đảm bảo yêu cầu. Thực tế thời gian qua, nhiều ngành hàng đã giảm lượng đường tiêu thụ trong sản phẩm.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngoài việc tuyên truyền mạnh mẽ để thay đổi hành vi tiêu dùng, bà Mai kiến nghị phải đánh thuế để tăng giá bán sản phẩm, hạn chế việc sử dụng đồ uống có đường.
"Nước ngọt không có chất gì ngoài đường, trong khi đứa trẻ cần chất lượng dinh dưỡng để phát triển. Chính phủ hằng năm lại phải đầu tư không nhỏ để phát triển dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam" - bà Mai nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Huy Quang - trưởng ban tư vấn phản biện Tổng hội Y học, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường không phải bây giờ mới được đặt ra, mà ngay từ năm 2012. Theo thống kê, thế giới đã có 108 nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, riêng ASEAN có 6 quốc gia.
Tại hội thảo, các ý kiến chuyên gia về thuế, tài chính đều ủng hộ sửa đổi luật thuế này, song bối cảnh áp dụng cần cân nhắc khi nào và mức tính thuế là bao nhiêu.
Ông Vũ Sĩ Cường, chuyên gia tài chính, đặt vấn đề bối cảnh áp dụng chính sách thuế mới nên cân nhắc thận trọng, liệu năm 2025-2026 nền kinh tế đã phục hồi chưa.
Còn từ nay đến hết năm, để hỗ trợ người tiêu dùng, Việt Nam vẫn giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Còn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, theo ông Cường có thể giúp ngân sách tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này.
"Nhưng về mặt tổng thể, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có làm giảm thu đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh thu sản phẩm này sụt giảm?" - ông Cường khuyến nghị.