Một hội nghị đối thoại giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang với doanh nghiệp. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)
Để thực hiện tốt việc thu hút đầu tư, sớm triển khai và giải ngân vốn đầu tư dự án trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính.
Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử tạo động lực nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; tập trung thực hiện mọi giải pháp để cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh một cách thực chất, hiệu quả nhất đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với tỉnh Kiên Giang.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư tại tỉnh, triển khai có hiệu quả xúc tiến đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề mà tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh.
Tỉnh tập trung xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vướng mắc pháp lý kéo dài đối với các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị, nhà ở thương mại, nông nghiệp, thương mại-dịch vụ để khơi thông nguồn lực đầu tư, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, tỉnh chuẩn bị các điều kiện pháp lý để thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư vào các khu đô thị mới, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu, cụm công nghiệp, thương mại-dịch vụ và du lịch.
Ngoài ra, tỉnh ban hành và triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổ chức đối thoại định kỳ và chuyên đề để lắng nghe nguyện vọng, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư thẳng thắn chỉ ra những rào cản, vấn đề gây vướng mắc, cản trở hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh thành lập mới 750 doanh nghiệp, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng vốn đăng ký hơn 5.314 tỷ đồng, nâng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên con số 12.435 với tổng vốn đăng ký hơn 211.212 tỷ đồng.
Tỉnh cấp mới 7 quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 40% so cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đăng ký 3.945 tỷ đồng, tăng 8,6 lần so cùng kỳ, với tổng diện tích 198,75 ha (có 2 dự án nuôi biển diện tích mặt nước biển 187,8 ha, vốn đăng ký 65 tỷ đồng), tăng 5,7 lần so cùng kỳ.
Mặt khác, tỉnh cấp điều chỉnh 49 quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó, có 7 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư lên hơn 38.184 tỷ đồng, chấm dứt hoạt động 2 dự án đầu tư. Đồng thời, tỉnh trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Kiên Giang với 17 doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng...
Sản xuất ximăng tại Công ty Cổ phần Ximăng Hà Tiên trên địa bàn huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 748 dự án, với tổng diện tích 31.720ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 588.725 tỷ đồng; trong đó 361 dự án đã đi vào hoạt động, với quy mô khoảng 15.530 ha, tổng vốn đầu tư hơn 110.237 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 55 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được cấp phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,76 triệu USD.
Các dự án này tổng vốn thực hiện đến nay 818,5 triệu USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư đăng ký, đầu tư vào các lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận chuyển dầu khí, thương mại dịch vụ...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ trong những tháng đầu năm, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Tỉnh công bố đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, đồ án quy hoạch chung thành phố và Khu Kinh tế Cửa khẩu Hà Tiên, qua đó, đã tạo động lực mới để thúc đẩy thu hút đầu tư, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Mặt khác, tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn, cùng với một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất đã phát huy tác dụng, nhất là chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ lao động đã giúp doanh nghiệp duy trì và ổn định sản xuất.
Các doanh nghiệp tích cực mở rộng, tìm kiếm thị trường, hạn chế cắt giảm sản xuất và lao động, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng ở Kiên Giang. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Tuy vậy, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh Kiên Giang còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể như thu hút đầu tư nước ngoài gặp khó khăn, không đạt như kỳ vọng; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn từ thị trường thu hẹp, lãi vay cao, khả năng vay vốn khó... dẫn đến doanh nghiệp thành lập mới chưa nhiều. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 12% và doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 10% so với cùng kỳ.
Việc thiếu quỹ đất đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng giao cho nhà đầu tư triển khai dự án; việc xác định giá đất phải qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian dẫn đến nhà đầu tư chậm được bàn giao mặt bằng để quản lý và thực hiện thủ tục đầu tư khác có liên quan dẫn đến làm chậm tiến độ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư ngoài ngân sách…/.