Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra hàng loạt những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, địa phương gây thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, "điểm nghẽn" lớn nhất là cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành; hay những hệ luỵ từ việc chồng lấn quy hoạch...
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý phải tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế chính sách.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Hè 2024 với chủ đề: “Mở rộng không gian tăng trưởng trong bối cảnh mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức được phát livestream vào ngày 15/07, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá kinh tế Việt Nam nửa đầu năm có những điểm sáng thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP quý 1,2/2024 có xu hướng tăng lên, từ 5,87% lên 6,93%, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%.
Các chỉ tiêu liên quan cũng cơ bản đạt được như: vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đầu tư công, đầu tư tư nhân đều gia tăng, khu vực FDI tăng 10,3%. Tiêu dùng trong nước ổn định, với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khoảng 8,6%.
CHÍNH SÁCH CHẬM TRỄ, ĐÙN ĐẨY GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Dù kinh tế 6 tháng có một số kết quả rất tích cực song lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chưa đồng đều và thiếu bền vững, khi nhìn nhận rõ động lực tăng trưởng từ phía tổng cung và tổng cầu. Vì vậy, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn được lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, khách quan từ các chuyên gia, các doanh nghiệp, các hiệp hội để đưa ra những chính sách tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt trong 6 tháng cuối năm.
Đưa ra nhiều vấn đề đang tồn tại trong công tác điều hành của các bộ, ngành, địa phương, ông Nguyễn Đức Hiển chỉ rõ trước hết, việc thể chế hóa một số định hướng lớn để tạo sự đột phá về phát triển kinh tế vẫn còn chậm hoặc chưa đạt mong muốn.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết vừa ký văn bản đề xuất lần thứ 3 để sớm thể chế hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết này đặt nền tảng rất quan trọng nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với rất nhiều đề án, chương trình cần phải làm, trong đó những định hướng về phát triển liên quan công nghiệp bán dẫn cần phải làm gấp.
Thế nhưng, tính từ ngày 17/11/2022 đến nay gần 2 năm nhưng chính sách chưa ban hành, tất nhiên có những lý do khách quan, chủ quan gây nên sự chậm trễ.
Hoặc việc ban hành các cơ chế chính sách khác cũng chậm như: về phát triển năng lượng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước...
Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính.
"Câu chuyện đạt ra là phải chăng cơ chế, quy trình thủ tục chưa rõ? Hai là địa phương cũng đẩy việc lên trung ương, cho dù thẩm quyền là của địa phương; hoặc trung ương cũng lòng vòng, bộ này đẩy bộ kia, đẩy lên đẩy xuống. Vì vậy tỷ lệ xử lý đúng hoặc trước thời hạn các thủ tục hành chính tại các bộ, ngành chỉ 7,54%, vậy gốc vấn đề ở đâu?".
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Chỉ số công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính tại các bộ, ngành chỉ đạt 28,57%; các địa phương trung bình đạt khoảng 36,64%.
"Có những bộ ngành đáng nhẽ phải tiên phong cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại là 1 trong 3 bộ chậm nhất", ông Hiển nêu rõ.
Còn tỷ lệ xử lý đúng hoặc trước thời hạn các thủ tục hành chính tại các bộ, ngành chỉ đạt 7,54%; tỷ lệ này tại địa phương lên tới 84,33%.
Điều này phản ánh rằng đối với địa phương, việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cơ bản là tốt nhưng các cơ quan trung ương, các bộ, ngành giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ rất thấp.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các bộ đạt 30,53% và địa phương khoảng 47,9%.
Nhiều báo cáo phản ánh có một số bộ, ngành đề ra nhiều thủ tục yêu cầu doanh nghiệp phải kết nối, rất nhiều thông tin khai báo nhưng cũng không sử dụng gì. Những vấn đề rất trăn trở của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đang đặt ra như: vấn đề hoàn thuế, sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các luật liên quan quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy chuẩn...
"Hiện chưa có biện pháp thực sự khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Điều này phản ánh chính cơ chế giải quyết thủ tục đúng hạn, đúng thời điểm", ông Hiển bày tỏ.
CHỒNG LẤN QUY HOẠCH
Bên cạnh đó, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, còn nhiều vướng mắc, rào cản tạo đột phá kinh tế của địa phương liên quan đến quy hoạch, xử lý các vấn đề chồng lấn quy hoạch tại địa phương.
Về quy hoạch, cơ bản 63/63 tỉnh ban hành quy hoạch nhưng bây giờ phải có kế hoạch để thực hiện, số lượng các địa phương có kế hoạch triển khai chỉ khoảng 10 tỉnh, thành. Các địa phương thấy rằng đây cũng là khâu ách tắc, cũng cản trở tăng trưởng.
"Phải tìm ra những rào cản, nút thắt, các cơ quan cần nhìn thẳng vào sự thật, khách quan để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước", ông Hiển đề nghị.
Các đại biểu, chuyên gia lắng nghe ý kiến đóng góp tại diễn đàn.
Vấn đề chồng lấn quy hoạch, hiện rất nhiều địa phương gặp vướng mắc như: Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận... Chẳng hạn, tỉnh Đắk Nông khó thu hút đầu tư vì vướng quy hoạch bô xít do diện tích liên quan đến bô xít chiếm 39% diện tích tỉnh mà không tập trung. Bình Thuận thì cần gỡ nút thắt quy hoạch titan... Một loạt các địa phương chồng lấn quy hoạch, giải quyết đến đâu để tạo động lực phát triển?
Rất nhiều địa phương xác định là động lực và là trung tâm của vùng nhưng bây giờ quỹ đất còn lại rất ít để phát triển công nghiệp. Bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước tất cả các chiến lược khác. Câu chuyện ai "chạy" theo ai, có những nơi cho rằng tất cả phải chạy theo quy hoạch sử dụng đất, có những quan điểm khác lại cho rằng quy hoạch về đất phải chạy theo định hướng chiến lược, quy hoạch chung.
"Nếu không rõ đường hướng thì các mục tiêu trở thành trung tâm của vùng, đóng góp vào tăng trưởng, phát triển cũng chỉ trên giấy tờ", ông Hiển nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương còn nêu thêm nhiều vấn đề về việc triển khai, cụ thể hóa các hợp tác hay nâng cấp quan hệ với các đối tác chiến lược thế nào? Vấn đề quản lý với thị trường vàng dù hiện nay ổn định nhưng cũng phải nghĩ các biện pháp quản lý căn cơ hơn. Hay vấn đề cơ cấu nền kinh tế, việc ban hành các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp hầu như không đi vào cuộc sống...
Vấn đề thị trường bất động sản, triển khai nhà xã hội; vấn đề liên quan đến khai thác các nguồn lực đất đai, hạ tầng giải quyết ra sao khi hiện rất nhiều địa phương cũng muốn phải tách giải phóng mặt bằng ra thành gói độc lập, hình thành các quỹ phát triển hạ tầng...
"Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước hiện nay đang tạo những rào cản rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhưng sửa hai luật này rất mất thời gian. Sắp tới sẽ phải ban hành những chủ trương gì, phải chăng cần có một nghị quyết để gỡ một vài vấn đề lớn", ông Hiển đặt vấn đề.
Về việc kiến tạo không gian mới về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... còn nhiều vấn đề đang đặt ra.
Vì vậy, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng các cơ quan nhà nước khi điều hành phải lắng nghe, nhìn vào những “nút thắt” để bàn cách gỡ. Ngoài nguồn lực về tài chính, chúng ta cần tiền để đầu tư, ông Hiển lưu ý phải tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế chính sách. Đây là điều chúng ta tạo ra và có thể tháo gỡ được.
Ánh Tuyết-Link gốc