Sau Trung Quốc, Hà Quốc, Nhật Bản, quả xoài ở Chợ Mới (An Giang) vừa xuất khẩu thành công sang Úc và Mỹ. Việc có “visa” sang các thị trường vốn nổi tiếng khó tính là chìa khóa giúp những người trồng xoài giải bài toán tiêu thụ, làm giàu bền vững.
Chợ Mới là huyện cù lao có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang, với hơn 6.400 ha xoài các loại. Trong đó, xoài tượng da xanh tập trung chủ yếu ở 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. Nhiều năm qua, cây xoài trở thành cây kinh tế chủ lực tại các địa phương.
Mở cánh cửa xuất khẩu
Ông Nguyễn Minh Hiền, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX GAP cù lao Giêng (xã Bình Phước Xuân), cho hay HTX chính là đơn vị đã phối hợp với doanh nghiệp đưa chuyến xoài tượng da xanh đầu tiên “chạm ngõ” thị trường Mỹ và Úc.
Chuyến hàng đầu tiên bao gồm 6 tấn sang Úc và 1 tấn sang Mỹ, tất cả đều thuộc các vùng trồng chất lượng cao. “Đến nay, xoài Chợ Mới đã chinh phục thành công thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và Mỹ, và sẽ tiếp tục tăng lên”, vị đại diện HTX hồ hởi nói.
Xoài đang là một trong những mặt hàng kinh tế chủ lực của nông dân An Giang (Ảnh: BAG).
Cây xoài tượng da xanh có mặt tại các xã Cù Lao Giêng vào khoảng năm 2001. Năm 2009, Hội làm vườn trung ương đã hướng dẫn bà con phát triển xoài theo tiêu chuẩn VietGAP. Có 40 nông dân trồng xoài trên địa bàn Cù Lao Giêng tham gia sản xuất.
Đến năm 2015, xã Bình Phước Xuân đã có 7,5ha xoài ba màu được chứng nhận VietGAP. Đây cũng là vùng được chứng nhận xoài VietGAP đầu tiên của tỉnh. Đến nay, toàn huyện Chợ Mới có 704ha xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp 41 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Không chỉ ở Chợ Mới, trong những năm gần đây, cây xoài đang trở thành một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực trên toàn tỉnh An Giang, mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, phát triển kinh tế xã hội tại nhiều địa phương.
Điển hình, An Phú đang là huyện biên giới có diện tích trồng xoài lớn thứ hai của tỉnh An Giang, chỉ sau huyện Chợ Mới, với các giống xoài keo ngon, chất lượng, bắt đầu chinh phục nhiều thị trường khó tính.
An Phú hiện có trên 2.048 ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích trồng xoài vào khoảng 1.950ha, sản lượng bình quân 40 - 70 tấn/ha/năm, tập trung nhiều nhất ở xã Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái, Phú Hữu, thị trấn Long Bình.
Đáng chú ý, toàn huyện đang có hơn 1.166 ha xoài được cấp mã số vùng trồng, với 62 mã số vùng trồng trên cây xoài keo cho 10 đơn vị, điển hình như HTX Nông nghiệp Long Bình là 40 mã số với diện tích 493,5ha, HTX công nghệ cao DH Farm 2 mã số với diện tích 101,54ha…
Hầu hết các đơn vị được cấp mã số vùng trồng đều có liên kết với doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định lâu dài cho các thành viên, nông dân liên kết.
Làm giàu bền vững từ trồng xoài
Anh La Văn Bản, ngụ ở ấp Vạt Lài, xã An Khánh, là một trong những người trồng xoài nổi tiếng trên địa bàn huyện An Phú. Sau nhiều năm thắng lớn cùng cây xoài keo, gia đình anh Bản giờ có “của ăn của để”, đời sống kinh tế ổn định.
Gần 20 năm gắn bó với vườn xoài, anh Bản chia sẻ để có được thành công hôm nay, anh và những hộ trồng xoài ở An Phú cũng trải qua không ít khó khăn. Xoài keo có nguồn gốc từ Campuchia, không quá khó trồng, tuy nhiên để có quả ngon, đẹp, chất lượng cao thì cần đảm bảo kỹ thuật.
An Giang đang hướng mạnh đến xuất khẩu nhằm mở rộng thị trường cho người trồng xoài (Ảnh: BAG).
“Nếu canh tác hợp lý, chỉ sau 2,5 - 3 năm, xoài keo có thể cho thu hoạch. Năng suất mỗi vụ đạt từ 3 - 4 tấn/công. Tính bình quân, giá xoài khoảng 10.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe. Những năm gần đây, giá xoài thường không dưới 15.000 đồng/kg, xoài đạt chuẩn xuất khẩu thì giá cao hơn nhiều”, anh Bản chia sẻ.
Với diện tích trồng xoài rộng hơn 4 ha, bình quân mỗi năm, anh Bản thu về hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phi. Bên cạnh trồng xoài, anh cũng phát triển thêm các loại cây trồng, vật nuôi khác, đặc biệt là mô hình nuôi dơi đang cho thu nhập cao.
Từ huyện An Phú về thị xã Tân Châu, cây xoài cũng cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội. Điển hình như tại xã Vĩnh Xương, các HTX trồng xoài đã giúp cho nông dân thoát cảnh thu nhập bấp bênh, vươn lên có đời sống khấm khá.
Về xã biên giới Vĩnh Xương hiện tại, có thể thấy đời sống người dân đang khá lên nhờ tham gia vào HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc với cách làm hay.
Với 1.000m2 trồng xoài (từ 5-6 năm tuổi), nông dân ở xã Vĩnh Xương hiện có thu nhập không dưới 80 triệu đồng/năm. Bà Trương Thị Lê, thành viên HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc, phấn khởi cho biết xoài hiện nay bán rất có giá, nhà vườn rất phấn khởi.
Một thành viên khác của HTX là ông Trần Văn Nam chia sẻ, từ khi vùng đất xã Vĩnh Xương chuyển sang trồng xoài xuất khẩu, đời sống nông dân ngày càng khấm khá.
Hình thành chuỗi giá trị
Ông Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương – Phú Lộc, cho biết vùng đất này có thế mạnh phát triển vườn cây ăn trái. HTX sở hữu 600ha xoài, bao gồm xoài cát Hòa Lộc, xoài keo. Đây là lợi thế rất lớn trong đàm phán mua vật tư phục vụ cho vùng trồng, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
“Chúng tôi sản xuất theo hướng công nghệ cao, tuyên truyền vận động nông dân để sản xuất theo, lấy chất lượng sản phẩm đó sau này tạo ra thương hiệu riêng cho HTX, để HTX càng ngày càng phát triển”, ông Hiệp chia sẻ.
Có thể nói, từ sự phát triển hiệu quả của các HTX, cùng sự đồng hành của các địa phương đã và đang giúp cho nông dân trồng xoài ở An Giang thoát cảnh bấp bênh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Với những thành công đang có, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang dự kiến tiếp tục thực hiện tốt công tác tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… cho vùng trồng cây ăn trái tập trung; từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân trong việc canh tác cây ăn trái nói chung và cây xoài nói riêng, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tăng cường cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói để giúp cho sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ và có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm cây ăn trái…
Song Ngư-Link gốc