Thị trường tiếp tục có phiên tăng đầu tuần, nhưng quán tính vẫn không mạnh. Quá nửa thời gian của phiên sáng nay là nhịp trượt dốc chậm chạp với độ rộng co hẹp dần. Dù vậy nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 vẫn đang giữ nhịp ổn định cả về thanh khoản lẫn điểm số...
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường vẫn xanh là chủ đạo.
Thị trường tiếp tục có phiên tăng đầu tuần, nhưng quán tính vẫn không mạnh. Quá nửa thời gian của phiên sáng nay là nhịp trượt dốc chậm chạp với độ rộng co hẹp dần. Dù vậy nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 vẫn đang giữ nhịp ổn định cả về thanh khoản lẫn điểm số.
Đỉnh cao nhất VN-Index đạt được là lúc 9h50, trên tham chiếu gần 7,6 điểm (+0,61%), độ rộng rất tốt với 274 mã tăng/98 mã giảm. Tuy nhiên đến cuối phiên mức tăng chỉ còn 2,73 điểm (+0,22%) với 198 mã tăng/181 mã giảm.
Có thể thấy khá rõ sự thay đổi từ độ rộng phản ánh áp lực bán có biểu hiện tăng ở rất nhiều cổ phiếu, khoảng 100 mã đổi màu giá trong khi rất nhiều mã khác co hẹp biên độ tăng. Trong khi đó thanh khoản sàn HoSE cũng tăng gần 22% so với sáng hôm thứ Sáu tuần trước.
Đây là biểu hiện của hoạt động chốt lời T+ khi 3 phiên vừa qua nhiều cổ phiếu cũng tăng giá khá. Nhà đầu tư hiện vẫn không chắc chắn thị trường đã thật sự tạo đáy hay chưa, hay chỉ là một nhịp nghỉ thông thường trước khi tiếp tục xu hướng giảm. Vì vậy quan điểm ngắn hạn là bình thường, thậm chí nhà đầu tư có thể lướt sóng T0 hoặc T1.
Nhóm cổ phiếu blue-chips VN30 hiện vẫn đang là trụ cột nâng đỡ VN-Index. Chỉ số đại diện rổ này tăng khá 0,4% so với Midcap chỉ tăng 0,08% và Smallcap tăng 0,04%. Nhóm này blue-chips cũng chịu sức ép như toàn thị trường, khi thời điểm mạnh nhất có tới 28 cổ phiếu tăng giá, không mã nào giảm, nhưng đến cuối phiên còn 16 mã tăng/9 mã giảm.
Những cổ phiếu bị ép mạnh đáng chú ý và giá rơi qua tham chiếu là MBB trượt giảm 1,02% so với giá đỉnh đầu ngày, chốt dưới tham chiếu 0,41%; PLX trượt giảm 2,26% so với đỉnh, thành giảm 0,42% so với tham chiếu; POW trượt 2,19% thành giảm 1,11%; VHM trượt 0,92% thành giảm 0,53%. Một số cổ phiếu khác cũng lao dốc khá mạnh nhưng chưa đến mức đỏ. Thống kê rổ này có 9 cổ phiếu tụt giá hơn 1% so với đỉnh.
Điểm tốt là trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index thì 7 mã vẫn còn xanh, chỉ 3 mã đỏ là GAS, VHM và VIC, đều giảm khá nhẹ. 3 trụ còn rất khỏe là BID tăng 1,19%, FPT tăng 1,17% và HPG tăng 1,46%. Ngoài ra có thể kể tới VNM tăng 1,98% - cổ phiếu này đã “văng” ra khỏi Top 10 vốn hóa. Thanh khoản cả rổ VN30 sáng nay tăng 15% so với sáng phiên trước và chiếm 46,3% tổng giá trị khớp sàn HoSE là tỷ lệ khá cao so với trung bình.
Dòng tiền tập trung vào VN30 là một tín hiệu lạc quan lúc này, vì nhóm này đang ra kết quả kinh doanh quý 2 tích cực. Thêm nữa nếu muốn VN-Index tạo đáy ở chỉ số thì nhất thiết phải có lực đỡ từ các trụ. Cả sàn HoSE sáng nay có 10 cổ phiếu thanh khoản quá được 100 tỷ đồng thì 7 mã thuộc VN30, dẫn đầu thị trường là FPT với 442,7 tỷ, VNM với 273 tỷ, TPB với 196,4 tỷ, HPG với 144,4 tỷ và MSN với 141,5 tỷ. Top 5 thanh khoản cao nhất này hiện vẫn đang tăng giá so với tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang chiếm phần lớn trong nhóm tăng giá nhưng dòng tiền không tốt. VN-Index lúc chốt phiên sáng có 60 cổ phiếu tăng hơn 1% thì chỉ 19 mã khớp được từ 10 tỷ đồng trở lên. Ngoài các blue-chips kể trên, chỉ có vài cổ phiếu đáng chú ý là DIG tăng 1,23% khớp 140,5 tỷ; VIX tăng 1,45% với 134,3 tỷ; DCM tăng 1,38% với 101 tỷ; BFC tăng 6,97% với 80 tỷ; HAG tăng 1,66% với 71,1 tỷ… Tính chung thanh khoản của nhóm tăng tốt nhất này chiếm 37,4% tổng khớp sàn HoSE.
Phía giảm mạnh nhất, tuy nhiều hơn về số lượng khi có 67 mã mất hơn 1%, nhưng thanh khoản lại rất nhỏ, chỉ chiếm 10,7%. Chỉ 12 cổ phiếu trong số này khớp quá được 10 tỷ đồng, mã nhiều nhất là SIP với 74,1 tỷ, giá giảm 3,44%. DBC, POW, HAH, PDR là các mã khác khớp quanh ngưỡng 40 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng khoảng 205 tỷ đồng trên HoSE nhưng cũng không có mã nào đáng chú ý. Bị xả nhiều nhất là DCM -27,9 tỷ, còn lại đều dưới ngưỡng 20 tỷ đồng. Phía mua có VIX +44,3 tỷ, FPT +33,6 tỷ và VNM +29,6 tỷ là đáng kể duy nhất. Như vậy khối này bán ròng là trên cơ sở số đông chứ không phải đột biến mạnh.
Kim Phong-Link gốc