• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.258,95 +19,69/+1,59%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:04:59 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.258,95   +19,69/+1,59%  |   HNX-INDEX   232,30   +1,46/+0,63%  |   UPCOM-INDEX   93,12   +0,55/+0,59%  |   VN30   1.303,65   +22,28/+1,74%  |   HNX30   504,42   +6,35/+1,27%
17 Tháng Chín 2024 11:10:37 CH - Mở cửa
Kỳ vọng cổ phiếu thép hết 'lạnh' nhờ những thông tin 'nóng'
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 31/07/2024 8:55:55 SA

Nửa năm qua, nhóm cổ phiếu thép không ghi nhận có nhiều đột phá. Tuy nhiên, những thông tin mới đây như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng bất ngờ, kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi… được cho là những yếu tố giúp nhóm cổ phiếu sẽ “tỏa sáng”.

Theo quan sát, sau nhiều tháng “dậm chân tại chỗ”, nhóm cổ phiếu thép đã bắt đầu có tín hiệu “rục rịch” trở lại.

Bứt phá bất ngờ

Đáng chú ý, trong phiên 29/7, thị trường chứng kiến sự bứt phá đồng loạt bất ngờ của nhóm cổ phiếu thép. Dòng tiền lan toả tại các cổ phiếu thép giúp nhóm này đồng thuận tăng từ 1% đến gần 7%, có thể kể tới như TIS (Tisco), SMC (Đầu tư Thương mại SMC), HPG (Hoà Phát), TLH (Thép Tiến Lên), NKG (Thép Nam Kim),… Đáng chú ý, cổ phiếu TVN (Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP) còn tăng mạnh 11,11%, sát mức giá trần.

Cổ phiếu thép được kỳ vọng tạo "sóng" trong thời gian tới.

Cổ phiếu nhóm thép đua nhau "nổi sóng" sau thông tin Bộ Công Thương đã quyết định tiến hành điều tra biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 26/7. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024.

Trước đó, trong ngày 19/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu) - bao gồm Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, thông tin trên có lợi cho cho nhóm cổ phiếu thép, đặc biệt là cổ phiếu HPG. Thực tế, cổ phiếu HPG đang ghi nhận diễn biến khá tích cực trong thời gian gần đây cùng thanh khoản sôi động, liên tiếp đứng trong Top 10 thị trường.

Cùng với thông tin trên, nhóm cổ phiếu thép còn được hỗ trợ bởi sự tích cực từ mùa báo cáo tài chính. Khảo sát kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, hầu hết các công ty thép đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng lên đến hàng nghìn phần trăm.

Chẳng hạn, Thép Tấm lá Thống Nhất (TNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với kết quả tăng trưởng ngoạn mục: lãi sau thuế hơn 13 tỷ đồng - mức lãi theo quý cao nhất mà doanh nghiệp thép này ghi nhận trong vòng gần 7 năm tính từ quý III/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Thép Tấm lá Thống Nhất đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ gần 3 tỷ.

Hay như Thép Nam Kim công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lãi sau thuế 220 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lãi cao nhất của công ty trong 2 năm qua, kể từ quý II/2022. Bán niên, lãi trước thuế đạt 460 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 370 tỷ đồng, gấp gần 5 lần.

Trong khi đó, dù mới kết thúc 3 quý đầu niên độ tài chính 2023 - 2024, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã ghi nhận lãi ròng đạt 174% kịch bản cơ sở của cả năm.

Một số doanh nghiệp thép khác cũng báo lãi quý II/2024 tăng trưởng như Kim khí TP.HCM (HMC) tăng 4,2% (đạt 24,8 tỷ đồng); Thép Mê Lin (MEL) tăng 75% (đạt 1,9 tỷ đồng); Kim khí Miền Trung (KMT) tăng 1,7% (đạt 875,3 triệu đồng); Thép Nhà Bè (TNB) lãi 311,3 triệu đồng (cùng kỳ lỗ 2,5 tỷ đồng); Cán thép Thái Trung (TTS) lãi 5,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 10,3 tỷ đồng)…

Trong báo cáo thị trường chứng khoán mới đây, Dragon Capital ước tính tăng trưởng lợi nhuận mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II tích cực từ 14-17% so với cùng kỳ, được dẫn dắt bởi một số nhóm ngành chủ chốt, trong đó có ngành thép.

Triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn

Theo nhận định các công ty chứng khoán, ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang chờ động lực để chuyển mình. Lý do chủ yếu là nhờ nhờ sự hồi phục của ngành bất động sản nội địa, với số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng và Luật Bất động sản sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2024.

Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2024, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận ngành thép sẽ tăng trưởng 40% vào năm 2024 nhờ các yếu tố: Doanh thu dự kiến phục hồi 25% nhờ sản lượng và giá bán tăng trưởng lần lượt 9% và 8%, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở và cơ sở hạ tầng tăng; biên lợi nhuận gộp phục hồi lên 13% (so với khoảng 8% năm 2023) nhờ giá đầu ra tăng 8% so với cùng kỳ và nguyên liệu (quặng, than) giảm khoảng 4% do nguồn cung ổn định; và tỷ lệ dự phòng giảm do giá đầu ra tăng và chi phí tài chính giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, động lực tăng điểm của nhóm thép còn đến từ kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi nửa cuối năm 2024.

Theo Chứng khoán KBSV, tính tới thời điểm hiện tại, xu hướng hồi phục tại thị trường nội địa đã và đang diễn ra khi sản lượng tiêu thụ thép ống T4-05/2024 đạt 191/184 nghìn tấn, tăng 26%/14% so với cùng kỳ (90% sản lượng thép ống được tiêu thụ tới từ thị trường trong nước).

“Sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép trong năm 2024 và 2025 tăng lần lượt 15% và 8% so với cùng kỳ”, KBSV kỳ vọng.

Thêm vào đó, KBSV nhận định khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất thép nội địa sẽ được cải thiện so với cùng kỳ nhờ chênh lệch giá bán thép xây dựng trong nước so với thép nhập khẩu đã giảm đáng kể so với năm 2023 và vẫn đang tiếp diễn xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tạo dư địa để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ.

Ngoài ra, đội ngũ phân tích dự đoán giá thép trong nước sẽ được hỗ trợ từ việc giá thép Trung Quốc có xu hướng giảm từ đầu năm do triển vọng tiêu thụ thấp. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm 2025 sẽ giúp biên lãi gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện trong các quý tới.

“Ngành thép có triển vọng tăng trưởng tích cực với định giá P/B trượt ở vùng hợp lý. Nhìn rộng hơn, ngành thép cho thấy nhiều triển vọng tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2025-2027 nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa sau 2024; triển vọng sản lượng tiêu thụ gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động cũng như ngành thép bắt đầu chu kỳ giá mới khi thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu hồi phục chậm từ 2025 trở đi", báo cáo nêu.

Hải Giang-Link gốc