Tuần từ 1 - 5/7, tỷ giá thị trường tự do giảm khá mạnh (195 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó) dù tỷ giá liên ngân hàng chỉ giảm nhẹ 2 đồng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng qua thị trường mở...
Chính phủ nhận định tỷ giá USD, giá vàng có khả năng vẫn ở mức cao trong những tháng tới.
Tuần từ 1 - 5/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng - giảm nhẹ. Chốt ngày 5/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.246 VND/USD, giảm 14 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 1/ - 5/7 tiếp tục biến động nhẹ. Kết thúc phiên 5/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.450 VND/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do giảm khá mạnh trong tuần qua. Chốt phiên 5/7, tỷ giá tự do giảm 195 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.745 VND/USD và 25.825 VND/USD.
Tuần từ 1 - 5/7, lãi suất VND liên ngân hàng biến động tăng – giảm đan xen qua các phiên đối với tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 5/7, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 4,8% (+0,06 đpt); 1 tuần 4,86% (-0,04 đpt); 2 tuần 4,92% (không thay đổi); 1 tháng 4,94% (-0,06 đpt).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn ít biến động trong tuần qua. Phiên 5/7, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,3% (không thay đổi); 1 tuần 5,35% (không thay đổi); 2 tuần 5,39% (-0,01 đpt) và 1 tháng 5,42% (-0,02 đpt).
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2024, Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhấn mạnh những thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong 6 tháng tới. Từ bên ngoài, cạnh tranh chiến lược các nước lớn gay gắt hơn; xung đột tiếp tục diễn ra, khó dự đoán thời điểm kết thúc; tỷ giá USD, giá vàng có khả năng vẫn ở mức cao; giá dầu thô, hàng hoá cơ bản biến động mạnh; biến đổi khí hậu, già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên ngày càng tác động nặng nề đến các nước, các nền kinh tế; đặc biệt hiện tượng nắng nóng, hạn hán, El Nino xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Trong nước, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực vẫn gặp nhiều khó khăn; tiếp cận vốn tín dụng chưa thuận lợi; thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm…
Trên thị trường mở tuần từ 1- 5/7, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 29.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 24.758,55 tỷ đồng trúng thầu, có 27.551,55 tỷ đồng đáo hạn tuần qua.
Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất ở tất cả các phiên. Hết tuần, có tổng cộng 55.650 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất trúng thầu giữ ở mức 4,50%; có 37.360 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 21.083 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 24.758,55 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành tăng lên 139.880 tỷ đồng.
Ngày 3/7, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 17.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Trong đó, duy nhất kỳ hạn 10 năm huy động được 11.487 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng gọi thầu với mức lãi suất trúng thầu là 2,74% (không đổi so với phiên đấu thầu trước). Các kỳ hạn 5 năm, 15 năm và 20 năm gọi thầu lần lượt là 500 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu ở các kỳ hạn này.
Trong tuần này, ngày 10/07, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 12.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 10.000 tỷ đồng, 15 năm 1.000 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.358 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 21.209 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trong tuần qua phân hóa giữa các kỳ hạn. Chốt phiên 5/7, lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,87% (không đổi so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,88% (không đổi); 3 năm 1,9% (không đổi); 5 năm 1,98% (không đổi); 7 năm 2,29% (-0,01 đpt); 10 năm 2,78% (-0,01 đpt); 15 năm 2,96% (+0,007 đpt); 30 năm 3,19% (+0,004 đpt).
Kỳ Phong-Link gốc