Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang thuyết phục thị trường bằng chính nỗ lực của các nhà băng để cải thiện “sức khỏe” và đặt ra kế hoạch triển vọng trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục phân hóa và điều chỉnh dựa trên hiệu suất kinh doanh của ngân hàng.
Hai cổ phiếu ngân hàng bị khối ngoại ‘đè bán’ nhưng được tự doanh công ty chứng khoán ‘gom' mạnh
Theo thống kê, tổng số tiền các ngân hàng dùng để trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt cho các cổ đông, bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2024, ước tính vào khoảng 33.000 tỷ đồng.
Trả cổ tức "khủng", lên tới 30%
Bên cạnh tiền mặt, nhiều ngân hàng đã quyết định chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ từ 10% đến hơn 20%, như: HDBank (mã: HDB), MB (MBB), Oricombank (OCB), Nam A Bank (NAB), Sahabank (SHB)...
Cổ phiếu ngân hàng đang được giới phân tích đánh giá cao.
Gần nhất, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố ngày 29/8/2024 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.
Theo đó, MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định. Tỷ lệ phát hành là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu), tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ này, MSB trở thành ngân hàng có mức trả cổ tức cao nhất trong năm nay. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, việc tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, gia tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh cũng như quản trị rủi ro. Đồng thời, đây cũng là cơ sở vững chắc thúc đẩy nhanh chóng và hiệu quả tiến trình số hóa, xanh hóa toàn diện ngân hàng.
Và theo đó, thị trường đang kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ ăn theo “game” tăng vốn khi mà nhóm này đang có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn tăng nóng thời điểm đầu năm.
Nhiều ý kiến đánh giá, năm 2024 là năm tích cực đối với thị trường chứng khoán, trong đó cổ phiếu có "game" phát hành cổ phiếu, tăng trưởng và dưới giá trị sẽ hút dòng tiền mạnh.
Và nhóm cổ phiếu ngân hàng đang thuyết phục thị trường bằng chính nỗ lực của nhà băng để cải thiện “sức khỏe” và đặt ra kế hoạch triển vọng trong thời gian dài.
Thực tế, trong nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu của những "tên tuổi lớn" và nổi danh đã tăng điểm mạnh sau thông báo trả cổ tức bằng cổ phiếu và/hoặc phát hành cổ phần tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Tăng trưởng tín dụng cải thiện
Trong báo cáo chiến lược kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong 2 nhóm “dẫn dắt” thị trường trong giai đoạn cuối năm, khi mà hoạt động kinh tế được kỳ vọng hồi phục tích cực hơn trong nửa cuối năm 2024 (đặc biệt là nhóm ngành phi tài chính) giúp tăng trưởng tín dụng khởi sắc và giảm căng thẳng về nợ xấu.
Bên cạnh đó, hệ số NIM kỳ vọng cải thiện nhờ chi phí huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Trong năm 2025, Chứng khoán Tiên Phong dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng 20% tạo ra những cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng khả năng cao vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm 2024, bởi nhu cầu mở rộng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt mức mục tiêu 14%-15%.
Đồng thời, quy mô nợ xấu sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023 để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối, hoạt động kinh tế phục hồi giúp giảm áp lực nợ xấu hình thành và giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng của ngành ngân hàng đã cho thấy sự cải thiện tích cực trong quý II/2024, đặc biệt là vào tháng 6, kéo tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế lên mức 6% vào cuối quý so với cuối năm ngoái, đạt mục tiêu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặt ra trong nửa đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng cải thiện là động lực thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng trong quý II vừa qua cũng như các quý còn lại của năm.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Chứng khoán VNDirect, tín dụng tăng trưởng với tốc độ chậm trong những tháng đầu năm do quá trình phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến và không thể triển khai các gói tín dụng hỗ trợ kinh tế như mong đợi.
Tăng trưởng tín dụng bất ngờ tăng tốc trong những tuần cuối tháng 6 cho thấy nỗ lực của các ngân hàng để đạt chỉ tiêu tín dụng. Tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy bởi cho vay khách hàng doanh nghiệp và chủ yếu chảy vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và bất động sản.
Về định giá, tính đến ngày 17/7/2027, cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/E và P/B là 9,71x và 1,54x, thấp hơn so với P/E và P/B trung bình 3 năm là 10,26x và 1,67x.
“Áp lực bán từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm dần. Việc đặt cược vào cổ phiếu ngân hàng tại thời điểm này đối với nhà đầu tư dài hạn cũng là hợp lý khi đang ở mặt bằng giá tương đối thấp chờ sóng cuối năm”, ông Hinh nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đưa ra lưu ý, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa và điều chỉnh dựa trên hiệu suất kinh doanh của nhà băng. Theo đó, cần có sự đánh giá và lựa chọn kỹ với từng cổ phiếu, chỉ những cổ phiếu có triển vọng cao hơn so với kỳ vọng của thị trường thì mới có thể bứt phá.
Một số ngân hàng như VPBank (VPB), HDBank và MB được dự báo có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội nhờ tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và có danh mục cho vay cân bằng giữa khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Còn Techcombank (TCB) và LPBank (LPB) sẽ được hưởng lợi từ tỷ trọng cao trong cơ cấu cho vay lĩnh vực bất động sản và vay mua nhà.
Hải Giang-Link gốc