• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 4:04:29 CH - Mở cửa
USD giảm giá, doanh nghiệp bớt lo gánh nặng tài chính
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 22/08/2024 8:21:01 SA

Các chuyên gia cho rằng việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây giúp các doanh nghiệp vơi bớt nỗi lo áp lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm nhiều hơn những đơn hàng mới.

Từ đầu quý III đến nay, chỉ số USD có chiều hướng đi xuống. Tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định hơn vào những tháng cuối năm.

Giá USD tại ngân hàng giảm mạnh

Ngày 21/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam ở mức 24.246 đồng/USD, giảm 15 đồng so với hôm trước. Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mạnh, nối dài chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp kể từ ngày 22/7.

Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá đồng loạt giảm mạnh. Ghi nhận đầu giờ chiều ngày 21/8, tỷ giá USD được Vietcombank niêm yết mua vào 24.760 đồng, bán ra 25.100 đồng/USD. Như vậy, so với cuối tuần trước, giá mua – bán đồng USD tại ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống này đã giảm tới 130 đồng.

Tương tự, Eximbank niêm yết tỷ giá USD tại 24.770 – 25.100, giảm 130 đồng mỗi USD so với cuối tuần trước.

Tính từ đầu tháng 8 tới nay, giá USD ở các ngân hàng đã giảm tới hơn 300 đồng, tương đương khoảng 1,27%. Còn nếu tính từ vùng đỉnh của tỷ giá lập hồi giữa tháng 4, giá USD tại ngân hàng đã giảm tới khoảng 1,6%, khoảng 390-400 đồng.

Báo cáo của NHNN cho biết đầu năm 2024, đồng Việt Nam từng mất giá gần 5% so với USD. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, tỷ lệ này đã giảm còn 3,85%.

So với mức đỉnh từng xác lập, tỷ giá trên thị trường ngân hàng hiện thấp hơn 1,6%, khoảng 390-400 đồng.

Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng 21/8 điều chỉnh giảm nhẹ ở 2 chiều mua - bán so với phiên trước. Tại thị trường Hà Nội, đồng USD được giao dịch (mua - bán) ở mức 25.321 -25.391 đồng, giảm 24 đồng ở chiều mua - bán so với ngày 20/8, thấp hơn 660-610 đồng, khoảng 2,3% so với cách đây 2 tháng.

Tỷ giá bắt đầu giảm mạnh trong hơn một tháng gần đây, đặc biệt từ cuối tuần trước. Với diễn biến này, chênh lệch giữa tỷ giá thị trường tự do và niêm yết tại các ngân hàng thương mại không còn đáng kể.

Theo Bộ phận nghiên cứu thị trường ngân hàng ACB, với việc tỷ giá trên thị trường tự do hạ nhiệt nhanh chóng, trong khi đồng USD cũng suy yếu trở lại trước thềm hội nghị quan trọng của các ngân hàng trung ương và việc không giữ được ngưỡng hỗ trợ 25.100 trong tuần trước có thể khiến xu hướng giảm của tỷ giá sẽ chưa dừng lại trong tuần này.

Đồng bạc xanh trong nước giảm giá cùng chiều với thế giới. Trên thị trường quốc tế, Dollar Index - chỉ số đo lường sức mạnh của USD giảm về dưới ngưỡng 102 điểm, giảm gần 2% trong 2 tuần gần đây.

Công ty chứng khoán MBS cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 25.300 – 25.700 VND/USD trong thời gian còn lại năm 2024 dưới những yếu tố tích cực như: thặng dư thương mại tích cực (7 tháng thặng dư hơn 14 tỷ USD), FDI giải ngân đạt hơn 12,5 tỷ USD (mức cao nhất từ trước tới nay) và du lịch phục hồi mạnh mẽ. Với 10 triệu khách quốc tế trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam ghi nhận tốc độ phục hồi trở về thời kỳ tăng trưởng mạnh năm 2009 và có khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu 18-19 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024.

Ngân hàng Shinhan Việt Nam dự đoán, VND dự kiến sẽ phục hồi khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thay đổi chính sách tiền tệ và khi chi tiêu đầu tư công cùng dòng vốn FDI vào Việt Nam mạnh. Theo Shinhan, tỷ giá bình quân năm 2024 có thể đạt khoảng 25.040 VND/USD.

Doanh nghiệp bớt nỗi lo áp lực tài chính

Nếu như nửa đầu năm 2024, tỷ giá là vấn đề rất được nhà đầu tư và cơ quan quản lý quan tâm, thì hiện nay, tỷ giá đã hạ nhiệt và dự kiến xu hướng những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Những áp lực lên tỷ giá đã giảm dần, trong đó có cả yếu tố bên trong và bên ngoài.

Việc tỷ giá USD ổn định và có xu hướng giảm trong thời gian tới mang lại nhiều triển vọng tích cực cho doanh nghiệp. Sự ổn định này không chỉ giảm áp lực lãi suất mà còn kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Các doanh nghiệp đều quan tâm đến tầm quan trọng của việc ổn định tỷ giá để giúp họ duy trì hoạt động sản xuất, có nguồn ngoại tệ phục vụ xuất nhập khẩu, bởi tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp phải hạch toán lỗ chêch lệch tỷ giá, kéo theo giảm lợi nhuận.

Đặc biệt, tỷ giá tăng sẽ tác động bất lợi đến các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.

Thực tế, hồi đầu năm nay, tương quan giữa các cặp tiền tệ với biến động lớn đã tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, kết quả kinh doanh quý I/2024 của một số doanh nghiệp có khoản vay lớn bằng USD “đội” thêm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng chi phí vì biến động của tỷ giá. Một số doanh nghiệp lớn ngành điện cũng ghi nhận lỗ từ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện và chưa thực hiện cao đột biến, cũng bởi đặc thù cần đầu tư lớn ban đầu và vay nợ nhiều, bao gồm cả nguồn vốn vay ngoại tệ.

Chẳng hạn như tại Vietnam Airlines, kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy, Tổng công ty lỗ chênh lệch tỷ giá gấp 3,3 lần cùng kỳ năm 2023 (hơn 770 tỷ đồng). Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, tỷ giá tăng 1% thì chi phí của Vietnam Airlines tăng thêm 300 tỷ đồng.

Do vậy, bước sang quý II, tỷ giá “bớt nóng” hơn giúp Vietnam Airlines giảm lỗ ròng do chênh lệch tỷ giá gần 200 tỷ đồng về mức 578 tỷ đồng.

Không chỉ tác động đến các doanh nghiệp có vay nợ bằng ngoại tệ, trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, các doanh nghiệp có doanh thu nhận về và chi phí thanh toán bằng ngoại tệ cũng giảm gánh nặng đáng kể.

Với việc tỷ giá đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội chia sẻ: "Tỷ giá mà thấp xuống được, chỉ một chút thôi, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã tiết kiệm được vài chục đến cả trăm triệu, từ đó tăng tính cạnh tranh về giá".

Biến động lên xuống thất thường của biến số tỷ giá những năm gần đây đang tác động ngày càng nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, theo các chuyên gia, dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng, các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng như việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ vẫn là điều doanh nghiệp không thể không quan tâm.

Huyền Anh-Link gốc