Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/8 (Ảnh minh họa: KT)
Công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị một số mã cổ phiếu cần quan tâm cho phiên giao dịch hôm nay 23/8.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB
Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB) ghi nhận tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 12,9% YTD – mức tăng trưởng tương đối cao so với mức trung bình ngành (6%) đã hỗ trợ tích cực cho mức tăng 40% của thu nhập lãi thuần (NII). Tăng trưởng của các nguồn thu cũng đã bù đắp cho mức tăng mạnh 104% của chi phí dự phòng. Lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đạt 15.628 tỷ đồng, hoàn thành 58% kế hoạch năm.
Tỷ lệ giải ngân cho vay mua nhà mạnh hơn trong quý 2 đến từ những tín hiệu phục hồi từ thị trường BĐS, đặc biệt là khi nhiều dự án của VHM mở bán tại Hà Nội và Hải Phòng. Giải ngân mới trong quý 2 đạt 31.157 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ quý III/2022 đến nay. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt lãi suất cho vay giữa các ngân hàng khiến tỷ lệ khách hàng tất toán sớm các khoản vay vẫn ở mức cao.
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/8 (Ảnh minh họa: KT)
KBSV cho rằng, mức độ cải thiện của NIM trong nửa cuối năm 2024 sẽ chậm hơn nửa đầu năm 2024 do mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng lên, trong khi lãi suất cho vay thường có độ trễ và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng vẫn chưa suy giảm. Nhìn chung, NIM cả năm 2024 vẫn được dự phóng ở mức 4,34%.
Sau khi điều chỉnh kỳ vọng về kết quả kinh doanh và số lượng CPLH sau chia, giá mục tiêu mới cho cổ phiếu TCB là 29.600 đồng/cổ phiếu. Với tiềm năng tăng giá 34% so với giá đóng cửa ngày 21/8, KBSV khuyến nghị mua với cổ phiếu TCB.
Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu CTG
Công ty Chứng khoán VNDirect khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (mã chứng khoán CTG), giá mục tiêu 39.900 đồng/cổ phiếu theo luận điểm đầu tư: Sự phục hồi của nhu cầu bán lẻ và vốn lưu động trong nửa cuối năm 2024 thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 12% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi tệp khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI, cùng với sự phục hồi dự kiến của nhu cầu vay bán lẻ. Các khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng do nhu cầu vốn lưu động và tái cấp vốn vẫn còn lớn. Bên cạnh đó, VNDirect dự đoán nhu cầu vay bán lẻ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm khi cầu nội địa của Việt Nam tăng tốc, góp phần thúc đẩy thêm tăng trưởng tín dụng cho CTG.
Ưu tiên tăng trưởng tín dụng hơn ổn định NIM: nhóm phân tích dự báo NIM sẽ đạt 2,9% vào cuối năm, do cả chi phí vốn (COF) và lợi suất tài sản (AY) dự kiến đều tăng, nhưng COF có thể tăng nhanh hơn AY do nhu cầu tín dụng tăng về cuối năm sẽ đẩy lãi suất tiền gửi lên cao hơn.
Thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng 5,7% svck, chủ yếu nhờ tăng trưởng 5% từ thu nhập từ phí thuần và thu nhập khác. Sự phục hồi của thu nhập từ phí sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng của các khoản thu phí khác (chiếm 35,6% tổng thu nhập phí) nhờ phí L/C theo xuất nhập khẩu sẽ tăng vào cuối năm. Ngoài ra, VNDirect kỳ vọng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác sẽ tăng 5% so với cùng kỳ nhờ hoạt động thu hồi nợ xấu cải thiện khi kinh tế phục hồi và việc NH ghi nhận phí trả trước từ Manulife.
Áp lực dự phòng sẽ giảm bớt khi nợ xấu giảm trong nửa cuối năm. Nhóm phân tích kỳ vọng nợ xấu sẽ giảm trong nửa cuối năm, giúp giảm chi phí tín dụng của CTG xuống còn 1,8%. VNDirect dự phóng tỷ lệ nợ xấu của CTG sẽ giảm xuống 1,4% nhờ tình hình tài chính của khách hàng bán lẻ và SME được cải thiện.
Diệp Diệp/VOV.VN
Link gốc