Việt Nam đang đẩy mạnh các nỗ lực trở thành một trong những trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Với sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, đặc biệt là thông qua Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI), Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển nguồn nhân lực và xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút đầu tư và nâng cao năng lực của ngành bán dẫn trong nước.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa thông báo về việc khởi động một loạt các phiên thảo luận chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Những phiên này nhằm thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong ngành bán dẫn toàn cầu, đồng thời tập trung vào 2 yếu tố quan trọng: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng chính sách công phù hợp. Đây là một phần trong nỗ lực của cả hai quốc gia nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện được ký kết vào tháng 9/2023.
Việt Nam hướng đến mục tiêu củng cố vị thế của quốc gia Đông Nam Á như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Các phiên thảo luận được tổ chức bởi Đại học bang Arizona (ASU) - đối tác chiến lược của Quỹ ITSI, nhằm quy tụ các bên liên quan chủ chốt của cả hai quốc gia. Tham dự các phiên thảo luận có các lãnh đạo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Đổi mới Quốc gia, cùng với đại diện từ chính quyền địa phương, các trường đại học và các chuyên gia trong ngành bán dẫn.
Việt Nam là một trong 8 quốc gia chiến lược được Hoa Kỳ chọn lựa cho sáng kiến này, bên cạnh Costa Rica, Mexico, Panama, Indonesia, Philippines, Kenya và Ấn Độ. Sáng kiến này được triển khai bởi Cục Kinh tế và Kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, với mục tiêu tạo ra một mạng lưới các quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và bảo đảm sự ổn định của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Trong khuôn khổ chương trình, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ cho Đại học bang Arizona 13,8 triệu USD để thúc đẩy phát triển nhân tài và đưa ra các khuyến nghị về chính sách công ở các quốc gia tham gia.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác này trong việc giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ông cho biết: "Sáng kiến này là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố ngành bán dẫn của Việt Nam, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. Bằng cách đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và chính sách công, chúng tôi đang nỗ lực để Việt Nam trở thành một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu".
Các hội thảo và chương trình đào tạo trong sáng kiến này đều nhằm mục tiêu phát triển một lực lượng lao động lành nghề, có trình độ cao trong lĩnh vực bán dẫn, đồng thời tạo ra môi trường chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới. ASU đã ra mắt cổng thông tin trực tuyến mới để cung cấp các khóa học miễn phí cho sinh viên và giảng viên quan tâm đến công nghệ bán dẫn. Cổng thông tin này không chỉ giúp học viên trau dồi kiến thức mà còn cung cấp chứng chỉ cho các giảng viên, giúp nâng cao trình độ chuyên môn trong ngành bán dẫn.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Marc Knapper nhấn mạnh, chương trình này không chỉ tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. "Hoa Kỳ tự hào đầu tư vào tương lai của Việt Nam thông qua các chương trình phát triển nhân lực. Đây là mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước, và chúng ta đang cùng nhau xây dựng tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn," Đại sứ Knapper nói.
Bà Virginia Kent - Điều phối viên cấp cao của Quỹ ITSI cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao này. Bà cho rằng, mối quan hệ đối tác này vượt xa khỏi các tiến bộ công nghệ thông thường, mà còn thể hiện sự cam kết chung của cả hai quốc gia trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và đảm bảo sự thịnh vượng thông qua các sáng kiến đổi mới.
Theo các chuyên gia, những nỗ lực này phù hợp với mục tiêu lâu dài của Việt Nam trong việc đưa đất nước đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Bằng cách tăng cường phát triển nguồn nhân lực và cải thiện khung chính sách, Việt Nam đang từng bước tiến tới trở thành một quốc gia quan trọng trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu.
Lê Hồng-Link gốc