Nhìn từ câu chuyện một số tập đoàn nước ngoài rút khỏi dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam sẽ thấy các quy định còn nhiều bất cập. Đây cũng là vấn đề chung của việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, khi mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn “mỏi cổ” chờ tháo gỡ các rào cản về mặt pháp lý.
Vài năm gần đây có nhiều doanh nghiệp (DN) của Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trong đó phải kể đến Tập đoàn CS Wind (Hàn Quốc) vào trung tuần tháng 9/2024 đã quyết định mở rộng đầu tư tại tỉnh Long An thông qua một biên bản ghi nhớ sẽ dự kiến rót 200 triệu USD để xây nhà máy sản xuất thiết bị điện gió trên diện tích 50 ha.
Các quy trình pháp lý còn bất cập
Dự án này được kỳ vọng đóng góp vào nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió của Việt Nam. Cần nhắc thêm, hồi tháng 3/2024 CS Wind đã khánh thành nhà máy sản xuất tháp điện gió offshore (ngoài khơi) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư hơn 70 triệu USD.
Các quy trình pháp lý còn chưa rõ ràng khiến cho việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam gặp không ít trở ngại.
Tuy vậy, để yên tâm vào lĩnh vực này, như hồi tháng 7/2024, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn mong Chính phủ Việt Nam có cơ chế, tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý, tài chính để đầu tư, hoàn thành các dự án điện gió.
Ngoài ra, việc rút lui của một số tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn. Như hãng tin Reuters vừa tiết lộ thì Tập đoàn năng lượng Enel (Italia) - một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới, có khả năng sẽ rời khỏi thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Hoặc như vào tháng 8/2024, Equinor (một gã khổng lồ trong ngành năng lượng của Na Uy) đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Trong khi đó, hồi tháng 6/2023 Orsted của Đan Mạch tuyên bố tạm dừng các hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, với lý do không chắc chắn về khuôn khổ chính sách và lộ trình tiếp cận thị trường của Việt Nam. Một lãnh đạo của tập đoàn này là ông Mads Nipper có giải thích rằng Việt Nam là một thị trường rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn.
Xét riêng về việc đầu tư điện gió ngoài khơi của Việt Nam, trong Sách Trắng 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có lưu ý những cơ hội thực sự vẫn chưa được khai phá. Trong Quy hoạch phát triển điện lực VIII (PDP8) đặt mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi đạt 6GW vào năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng vì ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và các cơ chế pháp lý liên quan cần thiết để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa được hoàn thiện.
“PDP8 tập trung vào vai trò của điện gió ngoài khơi trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam, với mục tiêu 6GW vào năm 2030 và tầm nhìn 70-91,5GW vào năm 2050. Mặc dù mục tiêu đặt ra cao và còn tương đối nhiều khu vực để phát triển điện gió ngoài khơi, tuy nhiên tại thời điểm này các quy trình pháp lý và khả năng thực hiện các dự án này vẫn chưa rõ ràng”, EuroCham nêu rõ.
Chính vì vậy, theo EuroCham, Bộ Công thương nên xem xét tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn điện gió ngoài khơi bằng cách xây dựng Hợp đồng mua bán điện (PPA) có hiệu lực quốc tế và kết hợp các cơ quan có chức năng cấp phép và quy hoạch tổng thể thành một cơ quan duy nhất, lý tưởng nhất là với các quy trình minh bạch và các mốc thời gian pháp định để cho phép các nhà phát triển đầu tư trên quy mô lớn trong một môi trường nơi rủi ro có thể quản lý được.
“Chỉ cần đừng đưa ra rào cản”
Còn xét về đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung tại Việt Nam, cũng theo EuroCham, một khía cạnh cần được thực hiện với đầu tư nước ngoài và đầu tư vốn quy mô lớn vào các dự án năng lượng tái tạo mới là phải đảm bảo tuân thủ yêu cầu về chất lượng cho các mục đích tài chính và bảo hiểm.
Trong Sách Trắng 2024 của EuroCham cũng chỉ rõ là “cần phải kết hợp các tiêu chuẩn quốc tế về Chứng nhận, Chất lượng, Sức khỏe, An toàn và Môi trường để đáp ứng yêu cầu của các công ty phát triển và tài trợ quốc tế cũng như yêu cầu bảo hiểm bắt buộc cho các dự án lớn này. Chắc chắn sẽ có một số khoảng trống và sự bất cân xứng giữa nhu cầu của Việt Nam và nhu cầu của các khoản đầu tư nước ngoài, do đó cần phải xác định và giải quyết những vấn đề này”.
Riêng với một lĩnh vực phổ biến hiện nay trong đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam là Điện mặt trời mái nhà, đa phần chuyên gia, DN trong ngành này cho rằng không cần ưu đãi, chỉ cần đừng đưa ra rào cản. Bởi lẽ, việc triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sử dụng hoặc tự sản tự tiêu đang gặp rất nhiều rào cản pháp lý.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư EverSolar, đó là không có thủ tục thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, có khả năng phải thực hiện thủ tục bổ sung vào Quy hoạch điện 8, đây là điều không khả thi đối với người dân, DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên đã gần 4 năm kể từ khi chính sách FIT 2 kết thúc (Quyết định 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực hết ngày 31/12/2020) vẫn chưa có hướng dẫn bổ sung vào quy hoạch điện theo thủ tục nào.
Ngoài ra, ông Cường cho biết việc triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà bị coi là một “công trình xây dựng”, dù không thay đổi về quy hoạch sử dụng đất và DN đã thuê tư vấn có năng lực trình độ thực hiện đánh giá, kiểm định kết cấu chịu lực công trình xây dựng hiện hữu. Thủ tục này đòi hỏi DN phải thực hiện rất nhiều bước theo các Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Do đó, vị giám đốc này kiến nghị cần sớm có chính sách rõ ràng, nhất quán trong phát triển Điện mặt trời mái nhà. Nhất là cần có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với năng lượng tái tạo không nối lưới như: Hỗ trợ về thủ tục xây dựng, quỹ đất, tài chính, lãi vay.
Thế Vinh-Link gốc