Tình trạng dòng tiền ảm đạm kéo thanh khoản toàn thị trường về mức thấp nhất một năm qua. Một số chuyên gia cho rằng dòng tiền và thanh khoản sẽ khó cải thiện trong các tháng tới khi rủi ro có thể gia tăng, đặc biệt là do những biến động mạnh từ thị trường thế giới. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tích cực về dòng tiền và thị trường.
Từ đầu tháng 9 đến nay, tình trạng giao dịch èo uột đã diễn ra liên tục, giá trị giao dịch bình quân chỉ khoảng 12.000 tỷ đồng/phiên, trong khi trung bình tháng 8 đạt 16.500 tỷ đồng/phiên.
Mức thấp nhất một năm qua
Cụ thể, ngày 12/9, thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua một phiên giao dịch hết sức "buồn ngủ", giá các cổ phiếu biến động với biên độ hẹp. Thanh khoản xuống thấp kỷ lục, khi cả 3 sàn chỉ đạt trên 11.400 tỷ đồng, riêng sàn HoSE chỉ là hơn 10.400 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên trước đó.
Tình trạng giao dịch èo uột đã diễn ra liên tục từ đầu tháng 9 đến nay.
Đáng chú ý, thanh khoản mất hút trong bối cảnh số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng mạnh thời gian gần đây. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm hơn 330.000 tài khoản trong tháng 8/2024, nhích nhẹ so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm kể từ giai đoạn tháng 5-6/2022.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, khi VN-Index tiệm cận 1.300 điểm, thị trường có một số khó khăn nhất định. Trong đó, khối ngoại vẫn bán ròng dù giá trị có giảm.
Ngoài ra, sau kỳ nghỉ lễ 2/9, chứng khoán quốc tế, trong đó có Mỹ và Trung Quốc cũng giảm vì các dữ liệu vĩ mô không mấy tích cực. Chưa kể Việt Nam lại gặp bão, vì vậy dòng tiền vào TTCK trong nước cũng đi "tránh bão".
Còn SGI Capital nhận thấy các thông tin vĩ mô trong nước tích cực gần đây không còn có tác động tích cực lên dòng tiền. Khối ngoại đã giảm tốc độ nhưng vẫn duy trì bán ròng mỗi khi VN-Index tiệm cận vùng 1.300 điểm, dòng tiền trong nước không gia tăng thêm và còn chịu áp lực chia sẻ với các đợt phát hành lớn gần đây của nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, và trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, tâm điểm nóng 2 quý gần đây đang chuyển dịch qua thị trường bất động sản cũng khiến một số dòng tiền của nhà đầu tư rút khỏi TTCK chuyển qua kênh này. Kết quả là giá trị giao dịch tháng 8 đã giảm 30% so với giai đoạn tháng 3-4 mặc dù VN-Index đang ở cùng một vùng điểm số. TTCK Việt Nam chưa từng có giai đoạn nào duy trì đà tăng khi thanh khoản tụt giảm mạnh.
Chưa kể năm nay, áp lực trái phiếu đáo hạn vẫn là một gánh nặng dòng tiền với nhiều doanh nghiệp lớn, bao gồm doanh nghiệp niêm yết.
Cơ hội mong manh?
Một giám đốc đầu tư tại công ty chứng khoán VPS cho rằng hiện tại, nhà đầu tư đang thận trọng trước nhiều thông tin chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư có liên quan đến thế giới.
Thực tế, tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp quan trọng với khả năng cao sẽ cắt giảm lãi suất, theo giới quan sát quốc tế nhận định. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm vẫn còn là một ẩn số và có thể sẽ tác động mạnh đến tâm lý chứng khoán toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Về cơ bản, việc Fed cắt giảm lãi suất gần như chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của thị trường tài chính toàn cầu đang chuyển dần sang lo ngại suy thoái thay vì câu chuyện hạ lãi suất như vài tháng trước. Căng thẳng địa chính trị vẫn diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới càng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm thận trọng.
SGI Capital cho rằng dòng tiền và thanh khoản sẽ khó cải thiện trong các tháng tới khi rủi ro có thể gia tăng, đặc biệt là do những biến động mạnh từ thị trường thế giới.
“Trong đầu tư, mục tiêu quan trọng là tìm kiếm và lựa chọn các cơ hội có rủi ro thấp và lợi nhuận cao. Môi trường hiện nay đang tiềm ẩn những rủi ro và biến động lớn, trong khi tương đối khan hiếm các cơ hội rõ nét. Khi những rủi ro bộc lộ và phản ánh đầy đủ lên thị trường và giá cổ phiếu trong thời gian tới, việc có sẵn sức mua và lượng thanh khoản dồi dào có thể mang lại lợi thế lớn”, SGI Capital nhấn mạnh.
Tương tự, chuyên gia Dragon Capital cũng đánh giá tâm lý nhà đầu tư đang có xu hướng thận trọng và chuyển dịch chiến lược từ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ sang danh mục với các cổ phiếu vốn hoá lớn và ưu tiên tính bền vững. Chiến lược đầu tư cân bằng và hạn chế mức định giá cao sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ thị trường quốc tế và tận dụng cơ hội tăng trưởng trong nước.
Theo Dragon Capital, diễn biến TTCK sẽ phụ thuộc vào các động lực tăng trưởng trong nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, để bù đắp lại xu hướng tăng trưởng đang chậm lại của các nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, việc ban hành Thông tư về non-prefunding (ký quỹ trước giao dịch) được kỳ vọng sẽ triển khai vào cuối năm, và có thể trở thành động lực thu hút dòng vốn vào thị trường.
Một số ý kiến cho rằng giao dịch ảm đạm chưa hẳn là nhà đầu tư chán chứng khoán, mà có thể là do chưa tìm được cơ hội giải ngân hấp dẫn. Thực tế, lượng tiền của nhà đầu tư nằm chờ tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý II dù thấp hơn mức kỷ lục trước đó 3 tháng nhưng vẫn là mức rất cao so với mặt bằng hơn 2 năm qua.
Theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý II/2024 đạt khoảng 95.000 tỷ đồng, giảm 9.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục vào cuối quý I, qua đó ngắt chuỗi 4 quý liên tiếp lượng tiền này tăng trưởng so với quý liền trước. Tuy nhiên, đây vẫn là lượng tiền nằm chờ cao thứ 2 trong 9 quý trở lại đây.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh, có những lý do cho thấy dòng tiền vẫn chờ cơ hội để chảy vào TTCK trong thời gian tới. Đó là các kênh đầu tư tài chính khác tương đối ít hấp dẫn, như lãi suất tiết kiệm vẫn thấp, thị trường bất động sản chưa tích cực sau khi 3 luật liên quan có hiệu lực. Còn thị trường vàng đã qua rồi thời kỳ nóng và không còn hấp dẫn nữa.
“Dòng tiền vào TTCK giống như "rơm đang chờ một đốm lửa", chỉ cần có yếu tố động lực, kích thích là "cháy"”, ông Minh ví von.
Hải Giang-Link gốc