Ngoài gỡ vướng về cơ chế bù trừ thanh toán trong giao dịch chứng khoán, chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện nhiều yếu tố khác để đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam như: vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, công bố thông tin minh bạch song ngữ…
Luật Chứng khoán là một trong 7 luật trong quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc đang được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nhiều điều khoản, trong đó có hoạt động bù trừ, thanh toán trong giao dịch chứng khoán. Cụ thể, sửa đổi theo hướng cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở và phái sinh. Hay cho phép Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) được thành lập pháp nhân riêng để triển khai CCP - cơ chế bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán do VSDC thực hiện.
Theo báo cáo tháng 3/2024 của tổ chức FTSE Russell, một trong những tiêu chí thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được để được nâng hạng lên thị trường mới nổi là Chu kỳ thanh toán (DvP), hiện được xếp là hạn chế. Do đó, với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, Chính phủ Việt Nam vẫn đang hết sức hỗ trợ cho thị trường bằng cách sửa đổi các quy định pháp lý liên quan, tạo điều kiện và loại bỏ các rào cản giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam dễ hơn.
Ông Trần Nhật Trung - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung về CCP hay cho phép VSDC được thành lập pháp nhân triển khai CCP đều là những bước tiến lớn trong việc giúp Việt Nam đáp ứng được tiêu chí nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE.
Tuy vậy, ông Trung nhìn nhận, từ bước đề xuất cho đến bước thực hiện được vẫn là một quãng đường khá dài và vẫn còn nhiều rào cản, đòi hỏi sự hoàn thiện, đồng bộ về khuôn khổ pháp lý hạ tầng kỹ thuật cũng như mô hình quản lý rủi ro.
Ví dụ, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung về bù trừ thanh toán trong giao dịch chứng khoán như cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở và phái sinh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đề nghị chỉ cho phép ngân hàng thương mại thực hiện thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh vì nếu tham gia bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở có thể tạo rủi ro trong quan hệ giữa các ngân hàng.
Ngoài ra, quy mô thanh toán chứng khoán cơ sở có thể gây ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của ngân hàng. Còn việc triển khai CCP thực sự không phải là một công việc đơn giản.
“Tựu chung lại, tôi cho rằng, vẫn cần thời gian để hoàn thiện các khâu từ pháp lý cho đến hạ tầng kỹ thuật để thị trường có thể đủ điều kiện để nâng hạng”, chuyên gia ACBS đánh giá.
Ngoài ra, ông Trung nhắc tới điểm quan trọng nữa trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà chúng ta cần cải thiện là việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt tỷ lệ sở hữu của nhà nước ở các công ty trên sàn, nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành nghề. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp tốt, vốn hóa lớn gần như đã “full room” dành cho nhà đầu tư ngoại. Vì vậy, khi thị trường được nâng hạng thì dòng vốn nước ngoài cũng không có nhiều lựa chọn để vào thị trường.
Cùng nhìn nhận về việc tháo gỡ các vướng mắc trong giao dịch chứng khoán, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng: đến nay, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) đã chính thức công bố Dự thảo thông tư sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền. Việc xử lý vấn đề prefunding (ký quỹ trước giao dịch) được đưa ra thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
“Theo dự thảo, công ty chứng khoán phải đứng ra đảm bảo cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây chỉ là giải pháp tạm thời cho vấn đề prefunding. Nên tôi đánh giá việc sửa đổi nội dung trong Luật Chứng khoán là bước đi rốt ráo, cần thiết của cơ quan quản lý nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế, ở đây là FTSE lẫn MSCI”, chuyên gia KIS nhận định.
Ông Phương đánh giá, nếu sửa đổi các vấn đề đang vướng mắc liên quan bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán sẽ tạo quy trình chuẩn, là giải pháp căn cơ cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch.
Tuy nhiên, ông Phương cũng nhấn mạnh, ký quỹ là một trong số tiêu chí quan trọng nhất khi xếp hạng thị trường nhưng chỉ yếu tố này là chưa đủ. Ngoài vấn đề room ngoại, chúng ta còn phải cải thiện tính minh bạch cho thị trường, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin bằng song ngữ, tạo công bằng trong tiếp cận thông tin với nhà đầu tư trong nước.
Huyền Châm-Link gốc