Ngành năng lượng của Nga đã phải chịu một loạt những đòn giáng gần đây, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
Loạt đòn trừng phạt lên Nga
Vài ngày trước khi Tổng thống Joe Biden rời Nhà Trắng, vào ngày 10/1, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với ngành năng lượng của Nga.
Ngành năng lượng của Nga là nguồn thu chính của đất nước, và xuất khẩu khí đốt tự nhiên và dầu mỏ là yếu tố quan trọng để Nga đáp ứng các kế hoạch chi tiêu quân sự của mình vào năm 2025, sẽ chiếm 1/3 ngân sách chính phủ. Các lệnh trừng phạt đối với các mặt hàng này có thể tác động lớn tới ngân sách của Điện Kremlin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đòn giáng lần này bao gồm một cam kết chung với Vương quốc Anh nhằm chặn các nhà sản xuất dầu Gazprom Neft và Surgutneftegas và trừng phạt các tàu là một phần của "hạm đội bóng tối" mà Nga đã sử dụng để trốn tránh mức giá trần 60 USD.
Mỹ cũng đã thực hiện các bước để chặn hai dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang hoạt động, một dự án dầu mỏ lớn của Nga và các thực thể của nước thứ ba hỗ trợ xuất khẩu năng lượng của Nga.
Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng lượng dầu nhập khẩu từ Nga, nhưng mối quan hệ đối tác thương mại sâu sắc này đang gặp căng thẳng khi có báo cáo cho biết cả hai nước đều đang e ngại trong việc chấp nhận mặt hàng chủ chốt đối với ngân khố của Điện Kremlin.
Chỉ trong vòng vài ngày, các tàu được cho là một phần của đội tàu ngầm của Nga chở dầu thô Đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO) từ cảng Kozmino ở Nga đã bị chuyển hướng khỏi các cảng theo kế hoạch ở Trung Quốc.
Tàu Huihai Pacific, dự kiến đến Dongjiakou ở tỉnh Sơn Đông, đã thay đổi lộ trình và hiện đang neo đậu ngoài khơi và chở đầy dầu. Hai tàu chở dầu khác là Mermar và Olia đang trên đường đến Yantai nhưng đang neo đậu ở Yellow Sea.
Một quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết Ấn Độ sẽ không cho phép các tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt dỡ hàng, ngoại trừ các tàu được thuê trước khi lệnh trừng phạt được công bố, với điều kiện là họ phải dỡ hàng trước ngày 12/3.
Nhà phân tích năng lượng Tom O'Donnell tại Berlin (Đức) nói với Newsweek rằng các lệnh trừng phạt mới nhất có thể gây tổn hại đáng kể cho Moscow và việc nhắm vào dầu mỏ của Nga có thể là vũ khí quan trọng mà Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump có thể sử dụng để chống lại Nga.
Moscow cũng cáo buộc Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thất bại vào đường ống dẫn khí đốt lớn cuối cùng vào châu Âu. Doanh thu khí đốt tự nhiên giảm sút đã khiến gã khổng lồ năng lượng Gazprom đề xuất cắt giảm số lượng nhân viên.
Theo ông O'Donnell, các tàu bị mắc cạn cho thấy lệnh trừng phạt lần này sẽ có tác động trừng phạt hiệu quả hơn mức giá trần đối với dầu, đặc biệt là khi xuất khẩu dầu của Nga đang giảm do hạn ngạch của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác) và thị trường cung vượt cầu.
Ông O'Donnell nói thêm rằng, nếu ông Donald Trump thực sự muốn gây sức ép với Tổng thống Nga Putin để đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến sự, ông có thể trừng phạt việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga.
Vấn đề của Gazprom
Hai tuần sau khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine hết hạn, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Kyiv bắn máy bay không người lái vào một trạm nén khí tạo thành đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ). Ukraine chưa bình luận về điều này, và gã khổng lồ khí đốt Gazprom cho biết cơ sở này đang hoạt động bình thường và nguồn cung qua đường ống không bị gián đoạn.
Nhưng công ty khí đốt tự nhiên của Nga cũng đề xuất cắt giảm số lượng nhân viên từ 4.100 xuống còn 2.500 vì công ty đang phải đối mặt với tình trạng doanh thu và sản lượng giảm sút, vốn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng sau lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ và Anh, vốn cũng nhắm vào LNG.
Nhà phân tích năng lượng Tom O'Donnell cho rằng nếu ông Donald Trump thực sự muốn gây tổn hại cho Nga, như một phần trong nỗ lực đạt được thỏa thuận với ông Putin, ông Trump có thể chỉ cần trừng phạt việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, đặc biệt là từ các nhà ga xuất khẩu ở phía tây của Nga. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu của Nga và doanh thu xuất khẩu của Nga.
Theo Reuters, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu mỏ của Nga sẽ buộc người mua ở Ấn Độ và Trung Quốc tìm kiếm nhà cung cấp khác, điều đó đã khiến giá tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng vào đầu tuần qua.
Các công ty dầu khí nhà nước của Trung Quốc và các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn cũng đang chuyển hướng sang nguồn dầu thô từ Trung Đông và những nơi khác, đẩy nhanh quá trình chuẩn bị cho khả năng gián đoạn nguồn cung nhiên liệu.
Việc Gazprom cắt giảm việc làm và những khoản lỗ mà công ty này công bố cho thấy gã khổng lồ khí đốt này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới cho nhiên liệu.
Theo News Week
Hải Đăng-Link gốc