Nhờ người tiêu dùng không ngừng chi tiêu, quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn ra vào năm 2024.
Trong ảnh: Một phố mua sắm ở New York, Mỹ ngày 24/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Thế giới phải đối mặt với vô số vấn đề nghiêm trọng khi bước vào năm 2025. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ không phải là một trong số đó.
Nhờ người tiêu dùng không ngừng chi tiêu, quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn ra vào năm 2024.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã liên tục vượt các dự báo, dù lãi suất và lạm phát cao. Các thị trường tài chính đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tốc độ tuyển dụng chậm lại, nhưng tỷ lệ cắt giảm lao động vẫn tương đối thấp. Bước sang năm 2025, có rất nhiều lý do để lạc quan về nền kinh tế Mỹ khi ông Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
Không có nguy cơ suy thoái
Những dự đoán về một cuộc suy thoái gần như chắc chắn vào năm 2022 đã không xảy ra.
Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không đến mức như lo ngại. Các thị trường chịu nhiều sức ép, nhưng không lao dốc.
Và mặc dù các điểm yếu xuất hiện trên thị trường việc làm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đối thấp.
Không giống như thời điểm này của năm 2021 và 2022, các nhà dự báo khi xem xét những nền tảng của nền kinh tế Mỹ không nhấn thấy những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc suy thoái.
Tuy nhiên, có những rủi ro bên ngoài đang rình rập, bao gồm cả một cuộc chiến thương mại có thể gây ra những tác động tiêu cực không mong muốn.
Giá xăng giảm
Giá năng lượng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra suy thoái cho nền kinh tế. Giá xăng tăng đột biến vượt 5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) vào giữa năm 2022 đã gây ra rủi ro rõ ràng và hiện hữu đối với nền kinh tế Mỹ.
Rất may, giá hiện đã thấp hơn nhiều. Những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông hay ở Nga vẫn chưa thành hiện thực. Trong khi đó, nguồn cung đã tăng mạnh, khi sản lượng dầu của Mỹ vượt bất kỳ quốc gia nào.
GasBuddy dự báo giá xăng trung bình ở mức 3,22 USD/gallon vào năm 2025, đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp. Giá xăng giảm sẽ giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng và giữ cho số liệu lạm phát ở mức thấp hơn.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tiền lương tăng nhanh hơn giá cả
Người Mỹ đã phải trả nhiều tiền hơn ở cửa hàng tạp hóa, cho bảo hiểm ô tô và tiền thuê nhà so với trước đại dịch.
Mặc dù mức giá có thể không trở lại như năm 2019 nhưng tốc độ tăng giá đã chậm lại đáng kể. Không chỉ vậy, tiền lương còn liên tục tăng nhanh hơn giá cả.
Điều đó có nghĩa là người Mỹ đang được hưởng mức tăng lương thực tế, điều nếu được duy trì sẽ giúp họ bắt kịp mức giá cao hơn và cảm thấy không bị quá áp lực về chi phí sinh hoạt.
Fed đã giảm lãi suất
Để kiểm soát lạm phát, Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ với tốc độ chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Cuộc chiến chống lạm phát đã đẩy chi phí đi vay đối với các khoản vay thế chấp, vay mua ô tô, thẻ tín dụng, và những khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ tăng lên.
Khi lạm phát hạ nhiệt, Fed đã có thể cắt giảm lãi suất trong ba cuộc họp liên tiếp. Hiện vẫn chưa rõ về việc Fed sẽ hạ lãi suất thêm bao nhiêu lần vào năm 2025. Và chi phí vay thế chấp đã không giảm.
Tuy nhiên, điều có tác động tích cực đến nền kinh tế là Fed đã bắt đầu quá trình hạ lãi suất và điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tới.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang tập trung cao nhất vào việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Có rất nhiều tranh luận về tác động từ chương trình nghị sự của ông Trump, đặc biệt là đối với lạm phát, nhưng một số nhà kinh tế rất phấn khích trước triển vọng cải cách thuế và cam kết đẩy lùi tình trạng quan liêu của ông.
Ông Trump đã bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk vào vị trí đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ mới, một ban cố vấn có nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu lãng phí và các quy định quá mức.
Ông Glenn Hubbard, cựu Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Columbia và là cựu cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống George W. Bush, đặt nhiều hy vọng về những nỗ lực nhằm làm rõ các quy định tài chính khó hiểu và đẩy nhanh quá trình cấp phép vốn đã làm chậm tiến độ xây dựng ở Mỹ.
Thuế quan, trục xuất người nhập cư và sự độc lập của Fed
Tuy nhiên, luôn có những rủi ro có thể nhanh chóng khiến bức tranh kinh tế trở nên xấu đi, chẳng hạn như một cuộc đình công ở cảng có thể diễn ra vào giữa tháng 1/2025.
Chương trình nghị sự thương mại của ông Trump tiếp tục khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại sẽ gây lạm phát và giảm đầu tư kinh doanh.
Nhà kinh tế trưởng tại Wolfe Research, Stephanie Roth, cho rằng thuế quan có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà Roth đang giả định rằng ông Trump sẽ không áp dụng tất cả các mức thuế mà ông đã đề xuất và thuế mới sẽ chưa có hiệu lực cho đến cuối năm 2025.
Mặt khác, nếu ông Trump ban hành tất cả các mức thuế đề xuất của mình, bà Roth nhận định tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm một nửa xuống chỉ còn 1% vào năm 2025, ngay cả khi còn chưa tính đến thiệt hại do thuế đáp trả gây ra. Khi đó, nền kinh tế có thể đứng trước rủi ro suy thoái.
Ngoài ra, còn có nguy cơ là tuyên bố của ông Trump về việc trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép sẽ khiến các ngành công nghiệp chủ chốt thiếu lao động, đẩy tiền lương và giá cả lên cao.
Các nhà đầu tư cũng đang cảnh giác cao độ về bất đồng giữa ông Trump và Chủ tịch Fed Powell.
Theo Wolfe, bất cứ điều gì nhằm vào sự độc lập trong hoạt động của Fed đều có thể thực sự tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Những yếu tố khó lường
Một rủi ro khác là những biến động dữ dội trên các thị trường tài chính, vốn đã bứt lên mạnh trong phần lớn năm 2024 nhưng đã kết thúc năm một cách yếu ớt.
Một sự điều chỉnh mạnh của thị trường có thể gây tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây áp lực lên nền kinh tế.
Và sau đó, các cuộc tấn công mạng, đại dịch và thiên tai là những diễn biến khó lường hơn nhiều.
Lê Minh-Link gốc