Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị nên quan tâm gồm TCM, VCB và VPB.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khuyến nghị nhà đầu tư bán TCM vì cổ phiếu có tín hiệu suy yếu.
TCM, VCB và VPB là những cổ phiếu được khuyến nghị nên quan tâm trong phiên giao dịch hôm nay. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị khả quan cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán VCB), giá mục tiêu 115.000 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:
MBS dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ tăng 13% so với năm 2024, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế và nhu cầu tín dụng cá nhân dự kiến phục hồi trong nửa cuối năm.
Ngoài ra, nhóm phân tích dự kiến tín dụng tiêu dùng sẽ cải thiện vào năm 2025 so với mức cơ sở thấp của năm 2024. Biên lãi ròng (NIM) dự kiến sẽ tăng 11 điểm cơ bản so với năm 2024 lên 3,2%, được thúc đẩy bởi chênh lệch lãi suất ròng cao hơn do khả năng chuyển chi phí lãi vay trong bối cảnh nhu cầu bán lẻ phục hồi. Nhóm phân tích dự báo lợi nhuận ròng sẽ tăng 4,9% và 11,6% trong giai đoạn 2024-2025.
Bên cạnh đó, VCB đang được giao dịch ở mức 2,1x, thấp hơn 27% so với mức trung bình P/B ( chỉ số so sánh giữa giá trị thực tế và giá trị ghi sổ của một cổ phiếu) 1 năm là 2,9x.
MBS tin rằng VCB vẫn là lựa chọn đáng tin cậy với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 11% so với cùng kỳ năm trước trong 2025 và chất lượng tài sản hàng đầu với mức đệm dự phòng lớn nhất trong nhóm ngân hàng.
MBS cũng khuyến nghị khả quan cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB), giá mục tiêu 22.150 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:
Lợi nhuận sau thuế trong năm 2024 được kỳ vọng tăng 80,4% svck nhờ nền thấp của năm ngoái và sự phục hồi mạnh của thu nhập lãi thuần với NIM tăng đáng kể. Nợ xấu được dự báo sẽ xuống dưới mức 5% tại cuối năm 2024.
Trong năm 2025, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế được dự báo giảm tốc xuống còn 26,1% so với năm 2024, với giả định NIM sẽ không có được mức tăng trưởng cao do nền cao của năm 2024 và trích lập dự phòng vẫn được duy trì tương tự năm trước.
Tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2025 sẽ có đóng góp lớn hơn từ mảng cho vay bán lẻ, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực nợ xấu (NPL) gia tăng lớn hơn. FECredit được kỳ vọng sẽ có lợi nhuận dương trong năm 2025.
P/B mục tiêu vẫn được duy trì ở mức 1,1x do NPL vẫn cao hơn nhiều so với trung bình ngành, nhưng đây là mức tương đối hấp dẫn trong dài hạn với kỳ vọng lợi nhuận sau thuế có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm trong 5 năm tiếp theo.
Văn Giáp-Link gốc