Năm 2025, giới đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một kịch bản kinh doanh khả quan hơn dành cho VNG nếu như các hoạt động kinh doanh cốt lõi của “ông lớn” công nghệ này tiếp tục đà đi lên và chi phí vận hành tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
Gần đây, giới công nghệ đón nhận thông tin Telio - một startup từng khá đình đám với sứ mệnh số hóa các cửa hàng tạp hóa truyền thống bằng cách kết nối họ với các thương hiệu và nhà cung cấp - chính thức giải thể vào tháng 12/2024. Dù đã nỗ lực cải thiện tình hình tài chính nhưng startup này vẫn không thể huy động thêm vốn để tiếp tục hoạt động.
Thông tin này đã làm rõ nguyên nhân vì sao Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ
) - một trong những cổ đông lớn đầu tư vào Telio - ghi nhận thêm khoản lỗ 215,8 tỷ đồng trong năm 2024 đối với khoản đầu tư vào startup này, trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng khiến VNG lỗ trên 1.000 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Không chỉ có trường hợp của Telio, trong năm 2024, VNG cũng ghi nhận khoản lỗ trên 100 tỷ đồng tại Ecotruck - một startup ứng dụng công nghệ trong việc quản lý và vận hành đơn hàng vận tải. Chốt năm, toàn bộ phần vốn của VNG tại Telio và Ecotruck đã không còn, một mặt tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của VNG, mặt khác VNG sẽ không còn phải ghi nhận thua lỗ từ các khoản đầu tư này trong tương lai.
Nếu không ghi nhận lỗ kỷ lục từ các công ty liên kết thì trong năm 2024, VNG sẽ có lãi từ hoạt động kinh doanh, thay vì chịu lỗ thuần 252 tỷ đồng.
Năm 2024 có thể coi là một năm “kém may mắn” với VNG, không chỉ chịu nỗi đau “cắt bỏ” hai startup Telio và Ecotruck khiến khoản thua lỗ tại các công ty liên kết ghi nhận cao nhất từ trước đến nay, mà còn phải “chịu đau” từ việc chính sách Nhà nước thay đổi.
Cụ thể, VNG bất ngờ trích lập dự phòng suy giảm giá trị trò chơi trực tuyến lên tới gần 315 tỷ đồng. Động thái này được thực hiện sau khi Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực, khiến VNG phải đóng các game sử dụng hình ảnh lá bài trên nền tảng ZingPlay.
Một bất ngờ khác là trong năm vừa qua, VNG ghi nhận tới 337 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập hoãn lại, cao nhất từ trước tới nay. Đây là nguyên nhân chính thứ ba, bên cạnh khoản lỗ kỷ lục từ các công ty liên kết và trích lập dự phòng suy giảm giá trị trò chơi trực tuyến như đã nêu trên, khiến VNG lỗ nghìn tỷ trong năm 2024.
Liệu rằng trong năm 2025, những nguyên nhân khiến VNG lỗ nặng trong năm 2024 có lặp lại hay không? Thoạt nhìn, các nguyên nhân như lỗ bởi công ty liên kết hay ghi nhận chi phí thuế thu nhập hoãn lại lớn có phần bất ngờ nhưng thực ra, VNG lại thường gặp phải trong quá khứ. Điều này là xuất phát từ mô hình kinh doanh của VNG: Tìm kiếm và phát triển các dự án công nghệ giàu tiềm năng, chấp nhận “rủi ro cao nhưng phần thưởng lớn”. Chính vì vậy, khá nhiều startup mà VNG đầu tư nhưng thất bại mà trước đây tiêu biểu là Tiki, Telio hay Ecotruck, một mặt khiến VNG phải ghi nhận lỗ từ các khoản đầu tư vào các startup, mặt khác khiến “ông lớn” công nghệ này xuất hiện các khoản lỗ tính thuế chưa sử dụng và do đó phải ghi nhận chi phí thuế thu nhập hoãn lại.
Điều đó có nghĩa là trong năm 2025, không loại trừ khả năng VNG sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ ở các công ty liên kết và ghi nhận chi phí thuế thu nhập hoãn lại, tuy nhiên mức độ tiêu cực có thể được giảm thiểu do năm 2024 đã ghi nhận mức kỷ lục. Thêm vào đó, việc phải ghi nhận suy giảm giá trị trò chơi trực tuyến quy mô lớn có thể chỉ là nhất thời sau khi Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực. Do vậy, bước sang năm 2025, giới đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một kịch bản kinh doanh khả quan hơn dành cho VNG nếu như các hoạt động kinh doanh cốt lõi của “ông lớn” công nghệ này tiếp tục đà đi lên và chi phí vận hành tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
Nhìn lại, doanh thu thuần năm 2024 của VNG ghi nhận mức tăng tới 25% so với năm 2023, đạt trên 9.500 tỷ đồng và cải thiện ở tất cả các mảng kinh doanh cốt lõi: Dịch vụ trò chơi trực tuyến (tăng 17%), dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet (tăng 89%), dịch vụ quảng cáo trực tuyến (tăng 2%), dịch vụ nhạc chờ và bản quyền bài hát (tăng 73%). Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp năm 2024 của VNG tăng tới 50% so với năm 2023, đạt 3.444 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2024 đều giảm so với năm 2023, lần lượt giảm 17% và 16%.
Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VNG vẫn khá tích cực trong năm 2024 khi ghi nhận mức dương (+) 852 tỷ đồng, góp phần duy trì trạng thái tiền dồi dào cho VNG. Tính đến hết năm 2024, VNG có gần 2.700 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và khoảng 930 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng.
Đây là tiền đề để VNG tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Zalo - nền tảng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam và dự báo sẽ là “gà đẻ trứng vàng” của VNG trong tương lai. Trong năm 2024, “ông lớn” công nghệ này đã chi hơn 1.200 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu tại Zion - chủ sở hữu ứng dụng Zalo - lên gần 100% (từ mức gần 73% trước đó).
Thanh Long
Link gốc