Để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, đảm bảo dòng vốn thông suốt để thu hút các "cá mập" tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Gỡ nút thắt để thu hút “cá mập”
Xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam không chỉ là mục tiêu mang tính chiến lược, mà còn là một bài toán tổng thể đòi hỏi những bước đi đúng đắn, đánh giá kỹ lưỡng bối cảnh kinh tế và khả năng thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo TS Võ Trí Thành, một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của trung tâm tài chính quốc tế chính là khả năng thu hút những "cá mập" tài chính hàng đầu thế giới.
Các nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang đến nguồn vốn khổng lồ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực, cải thiện môi trường pháp lý và tăng cường tính minh bạch của thị trường tài chính nhằm tạo ra một hệ sinh thái hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250213/images/tphcm-17210233695881471226603-122544.jpg)
Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. HCM
Bên cạnh những ưu đãi về thuế và các thủ tục, cơ chế hoạt động, một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư lớn chính là chính sách mở rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta, mức trần tỷ lệ sở hữu của khối ngoại hiện nay còn thấp. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam nên triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, trong đó, giải pháp ngắn hạn có thể là xem xét ban hành chứng chỉ lưu ký không quyền biểu quyết (NVDR) để tháo gỡ một phần nút thắt về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đồng thời điều chỉnh Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán nhằm giảm số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
\Không chỉ cân nhắc vấn đề vốn, Việt Nam còn phải đối diện với bài toán luân chuyển dòng vốn. Hiện nay, hệ thống tài chính vẫn duy trì các quy định khá chặt chẽ về việc rút vốn ra khỏi thị trường, điều này khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế lo ngại. Đối với một trung tâm tài chính quốc tế, yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn ngoại chính là đảm bảo khả năng luân chuyển vốn tự do và minh bạch.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, trong bối cảnh câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán được nhắc tới nhiều năm nay, các tổ chức đánh giá đang cân nhắc kỹ lưỡng về việc lưu chuyển dòng vốn tự do ở Việt Nam, khi mà dòng vốn vào khá dễ dàng nhưng việc rút vốn lại gặp nhiều khó khăn.
Để thành lập một trung tâm tài chính quốc tế, ông Minh cho rằng tính luân chuyển dòng vốn tự do cần có hành lang thông thoáng hơn. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm sao để Việt Nam có thể cân đối giữa việc thu hút vốn đầu tư và đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước tính vào khoảng 90-110 tỷ USD, chỉ đủ để đảm bảo cán cân thương mại xuất nhập khẩu, chưa đủ để duy trì một trung tâm tài chính quốc tế có quy mô lớn. Trong khi đó, các trung tâm tài chính hàng đầu như Singapore có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, giúp họ linh hoạt hơn trong việc xử lý rủi ro thanh khoản và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế có khả năng vận hành hiệu quả, Việt Nam có thể cần đến sự tư vấn và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế như IMF hay WB. Các tổ chức này có thể cung cấp những giải pháp mang tính hệ thống nhằm cải thiện cơ chế luân chuyển dòng vốn, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động tài chính toàn cầu. Đặc biệt, việc xây dựng một hệ thống tài chính linh hoạt, có khả năng thu hút các tổ chức tài chính lớn mà vẫn đảm bảo sự ổn định vĩ mô sẽ là bài toán cần lời giải cụ thể trong thời gian tới.
Với tiềm năng phát triển kinh tế và mong muốn trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam cần có những bước đi chiến lược để thu hút các "cá mập" tài chính. Một hệ thống pháp lý thông thoáng, chính sách linh hoạt và cơ chế luân chuyển vốn hiệu quả sẽ là những điều kiện tiên quyết để Việt Nam hiện thực hóa tham vọng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực.
Cơ chế phi tài chính để thu hút nhân tài
Bên cạnh việc thu hút các “cá mập” về trung tâm tài chính quốc tế, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về đây cũng là điểm quan trọng không kém.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nếu Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính phục vụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ước tính hàng trăm nghìn chuyên gia sẽ tới làm việc. Để thu hút họ, cần có các chính sách cụ thể như cấp thẻ căn cước đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sinh hoạt của họ và gia đình.
Bên cạnh đó, ông cho rằng Chính phủ cần có chính sách đặc biệt như miễn thị thực cho chuyên gia tại trung tâm tài chính quốc tế, cho phép họ mua nhà, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, giải trí chất lượng cao.
Các chuyên gia cho rằng, việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trên toàn cầu không chỉ phụ thuộc vào môi trường làm việc mà còn vào chất lượng môi trường sống. Các trung tâm tài chính lớn trên thế giới như Singapore, Hong Kong, Dubai đều đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ và chính sách an sinh để tạo điều kiện tốt nhất cho chuyên gia tài chính và gia đình họ.
Cùng với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ thế giới, vị chuyên gia này cũng đề xuất về việc Việt Nam tận dụng nguồn nhân lực là người Việt trên toàn cầu bằng cách tạo điều kiện để họ trở về và làm việc. Hiện có gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó khoảng 500.000 - 700.000 người có chuyên môn về tài chính.
Ngoài ra, hệ thống đào tạo trong nước cần được nâng cao. Các tập đoàn tài chính quốc tế khi đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ mang theo hệ thống đào tạo nhân lực, giúp nâng cao trình độ cho lao động Việt Nam.
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, Chính phủ có thể khuyến khích các doanh nghiệp lớn mở các trung tâm đào tạo chuyên sâu về tài chính, nhằm cung cấp từ 50.000 - 70.000 chuyên gia tài chính mỗi năm.
Hải Đường-Link gốc