Nợ xấu liên tục tăng, trong khi năm nay ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhằm hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8%. Để có thể hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng thời gian tới, các ngân hàng mong muốn hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ được hoàn thiện.
Theo phản ánh của các ngân hàng, từ năm 2024 đến nay, việc thu giữ tài sản đảm bảo và xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn do một số quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu không được luật hóa vào Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Nợ xấu tăng mạnh
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết năm 2024, tổng số nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu cảnh báo rủi ro) tại các ngân hàng thương mại là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ. Con số này đã giảm 7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại.
Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/12/2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023.
Báo cáo của NHNN cũng chỉ ra một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên 3%, gồm có MBV (7,18%), GPBank (15,87%), VCBNeo (43,76%), DongA Bank (46,1%), NCB (16,69%) và SCB (98,50%). Trong số này, 4 ngân hàng là MBV, GPBank, VCBNeo và DongA Bank mới được chuyển giao bắt buộc, còn SCB đang trong diện kiểm soát đặc biệt.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250214/images/-1170-1739437462_1200x0.jpg)
Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/12/2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023.
Không chỉ có các ngân hàng quy mô nhỏ, theo kết quả kinh doanh quý IV/2024 cả những “ông lớn” như BIDV, Vietcombank, VietinBank, MB,… nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh.
Cụ thể, ngân hàng có nợ nhóm 5 nhiều nhất xét về quy mô tuyệt đối là BIDV với số dư tới 19.801 tỷ đồng, tăng mạnh tới 52% trong năm qua. BIDV cũng là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất hệ thống, lên tới hơn 29 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vì là nhà băng có quy mô lớn nhất Việt Nam, thực tế nợ xấu chỉ chiếm 1,41% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng, vẫn nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
VietinBank là ngân hàng có quy mô nợ xấu có khả năng mất vốn (xét theo giá trị tuyệt đối) cao thứ 2, với 13.832 tỷ đồng, tăng 47,5% so với năm 2023. Tổng nợ xấu của Vietinbank tại thời điểm kết thúc năm 2024 là 21.473 tỷ đồng, tăng 29%. Tương tự như BIDV, tuy số dư nợ xấu cao nhưng vì là ngân hàng có quy mô lớn, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank chỉ ở mức 1,25%, nằm trong nhóm 5 ngân hàng thấp nhất.
Vietcombank là ngân hàng có quy mô nợ xấu có khả năng mất vốn lớn thứ 4, ở mức 10.292 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm nợ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu (74%). Giống như BIDV và VietinBank, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Vietcombank cũng thường thuộc nhóm thấp nhất. Thậm chí cuối năm 2024, Vietcombank là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Ngoài ra, dữ liệu tài chính được công bố cũng cho thấy hàng loạt ngân hàng chứng kiến nợ nhóm 5 tăng hơn 50% còn có MB, Sacombank, ACB, MSB, OCB,...
Cần hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đối diện với nợ xấu tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, công tác thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, TCTD không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ, nhiều trường hợp đưa ra toà án đến cấp phúc thẩm mà vẫn không đạt hiệu quả, dẫn đến việc xử lý ngày càng phức tạp, không triệt để… làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn thường xuyên tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp.
Bởi vậy, nếu xảy ra tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khách hàng chây ì, cố tình không trả nợ, ngân hàng cần có giải pháp xử lý quyết liệt.
Theo đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đề xuất Chính phủ cho tiếp tục luật hóa những nội dung qui định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu. Đồng thời, rà soát sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 để bảo vệ quyền chủ nợ.
Không chỉ lãnh đạo VNBA, các ngân hàng cũng lo lắng về nợ xấu tăng Trong khi hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng ngày 11/2 vừa qua, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết trong năm 2024 VIB đã có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt và đạt mức cao trong hệ thống, chúng tôi tin tưởng và cam kết sẽ thực thi tăng trưởng tín dụng 2025 bằng con số của năm 2024.
Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng thời gian tới, ngân hàng mong muốn hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ được hoàn thiện. Hiện việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc, khi Nghị quyết 42 không được luật hoá, gây rủi ro rất lớn cho ngành Ngân hàng. VIB cũng như các ngân hàng tin tưởng khi quyền hợp pháp của chủ nợ được đảm bảo, ngành Ngân hàng sẽ tăng được khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp người dân, chi phí tín dụng của người vay được tiết giảm, khách hàng tốt không bị ảnh hưởng bởi những khách hàng không hoặc chưa hiểu về nghĩa vụ trả nợ, không tuân thủ hợp đồng trả nợ.
Đại diện nhóm big 4, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết, thời gian qua, mặc dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, tuy nhiên, nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Do đó, Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu.
Trước kiến nghị của các ngân hàng, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Huyền Anh-Link gốc