Theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam cần đảm bảo rằng “người chơi” trong trung tâm tài chính quốc tế có thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động của thị trường tài chính toàn cầu.
Hoàn thiện hệ sinh thái tài chính
Việt Nam đang trong quá trình định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP. HCM. Trong giai đoạn hình thành và xây dựng, việc hoàn thiện hệ sinh thái tài chính, bổ sung các công cụ và chính sách nhằm thu hút đầu tư là điều không thể thiếu.
Theo TS Võ Trí Thành, một trung tâm tài chính quốc tế không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu đi các thành phần cốt lõi trong hệ sinh thái tài chính. Những thành viên chủ chốt bao gồm ngân hàng, các định chế tài chính liên quan đến thị trường vốn như trái phiếu, bảo hiểm, fintech, quỹ đầu tư, cùng với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Tất cả phải tạo nên một hệ sinh thái vận hành đồng bộ theo chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam cần đảm bảo rằng các “người chơi” trong trung tâm tài chính quốc tế có thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động của thị trường tài chính toàn cầu.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250214/images/dvt_5218-1717-1613-1623-112024.jpg)
“Nếu chúng ta muốn cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác và thu hút nhà đầu tư chiến lược, họ cần được tham gia vào các hoạt động tài chính đa dạng, nếu không họ sẽ lựa chọn các trung tâm khác như Singapore hay Dubai – nơi có môi trường thuận lợi hơn”, TS. Thành phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) từng chia sẻ rằng, để TP. HCM trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi.
Thứ nhất là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Việt Nam hiện chỉ có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu mô hình ngân hàng đầu tư. Thứ hai là trụ cột thị trường vốn, hiện vẫn còn manh nha và sơ khai. Cuối cùng là trụ cột về thị trường hàng hoá phái sinh, hiện hoàn toàn chưa có.
Điều thiết yếu hiện nay là bổ sung thêm hàng hóa trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn hóa lớn và chất lượng cao. Sau giai đoạn 2018, làn sóng niêm yết và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh. Do đó, cần đẩy nhanh tiến trình này nhằm thu hút nhà đầu tư và tăng thanh khoản.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta
Theo TheCityUK, tổ chức được Chính phủ Anh chỉ định triển khai dự án hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện tầm nhìn phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính và kinh doanh cấp khu vực, để phát triển thị trường và kinh tế của Việt Nam đòi hỏi phải có đầy đủ dịch vụ ngân hàng thương mại và ngân hàng bán buôn. Thị trường vốn cần phát triển có chiều sâu, thanh khoản cao ở Việt Nam và trong khu vực ASEAN bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tài chính, môi giới và các chuyên gia khác trong và ngoài nước, cũng như tạo ra một nền tảng để hỗ trợ tài chính cho sự phát triển của khu vực tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.
Từ đó, nhiều đầu tư hơn từ tổ chức lớn (đặc biệt là các quỹ hưu trí) sẽ vào thị trường vốn Việt Nam so với việc chủ yếu phụ thuộc vào các nhà đầu tư bán lẻ như hiện nay, đồng thời các sản phẩm bao quát và phức tạp hơn sẽ ra đời. TheCityUK đề xuất việc thiết kế một cấu trúc chặt chẽ cho ngành tài chính cùng với khuôn khổ pháp lý và quy định của ngành sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất, cũng như hoàn thiện phần thống kê tài chính và chia sẻ thông tin.
Với thị trường phái sinh, tổ chức này cho rằng cần hỗ trợ thị trường này để phát triển có độ sâu và tính thanh khoản cao, đồng thời cho phép các công ty, ngân hàng phòng ngừa rủi ro và giao dịch trong một môi trường an toàn, được quản lý tốt.
“Thị trường phái sinh Việt Nam dù đã đi vào hoạt động hơn 5 năm nhưng có rất ít sản phẩm tập trung vào bán lẻ. Với khả năng sản xuất các loại hàng hóa khác nhau và vị trí địa lý của đất nước, việc tăng số lượng và đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường phái sinh, hợp lý hóa các quy tắc quản trị và điều chỉnh hoạt động của mình theo các tiêu chuẩn quốc tế (bao gồm cả hướng dẫn về việc xin giấy phép cấp bởi các tổ chức tín dụng ủy thác để giao dịch phái sinh), sẽ thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư”, TheCityUK nhận định.
Kết nối cổng giao dịch quốc tế
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta, các sản phẩm tài chính có thể được chia thành hai mảng: sản phẩm trong nước và sản phẩm quốc tế. Với sản phẩm trong nước, hiện nay thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn khá thô sơ và thiếu nhiều sản phẩm cùng công cụ phái sinh.
"Mặc dù đã có một số bước tiến như việc hình thành thị trường trái phiếu thứ cấp và sàn giao dịch hàng hóa, nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn chưa cao và quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán vẫn khiêm tốn, ước tính chỉ đạt khoảng 60% GDP", ông Minh nhấn mạnh.
Về các sản phẩm tài chính quốc tế, đây là một trong những thiếu sót lớn mà thị trường Việt Nam hiện chưa thể cung cấp. Hiện tại, các nhà đầu tư tại Việt Nam gặp khó khăn khi muốn giao dịch vàng, cổ phiếu quốc tế hay tài sản nước ngoài, do chưa có cổng giao dịch trực tiếp nào.
![](https://static.fireant.vn/Upload/20250214/images/image(76).png)
“Trong trường hợp nhà đầu tư nhận thấy thị trường Việt Nam có rủi ro và muốn đầu tư sang các thị trường khác, họ chỉ có thể thực hiện bằng cách bán tài sản tại Việt Nam, chuyển thành tiền và rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam để đầu tư vào thị trường khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ giá mà còn tốn thời gian và có thể làm gia tăng chi phí cơ hội cho nhà đầu tư. Do đó, chúng ta cần xây dựng một cổng giao dịch quốc tế tại Việt Nam để có thể giao dịch trên các thị trường khác,” ông Minh nhận định.
Ví dụ điển hình là mô hình tại Đài Loan, nơi thị trường này đã kết nối với cổng giao dịch trung gian quốc tế do CME Group cung cấp, được quản lý bởi Sở Giao dịch của Mỹ. Khi kết nối vào cổng giao dịch này, nhà đầu tư chỉ cần mở tài khoản tại Việt Nam và vẫn có thể giao dịch trên các thị trường Mỹ, châu Âu hay các thị trường khác tại châu Á.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cánh cổng này nên được mở ở mức vừa phải trong giai đoạn đầu, không nên “bung toang” sớm, vì điều này liên quan đến việc quản lý và kiểm soát rủi ro. Đại diện Chứng khoán Yuanta đã đưa ra hai lưu ý khi kết nối với cổng giao dịch quốc tế.
Thứ nhất, khi Việt Nam xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, sẽ có nhiều chính sách và ưu đãi đi kèm để thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư có thể coi đây là cơ hội để lách luật nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành. Cụ thể, họ có thể dịch chuyển sang TP. HCM để mở chi nhánh, văn phòng và sau đó rời đi để hưởng ưu đãi mà không thực sự đầu tư lâu dài.
“Trong tình huống này, chúng ta có thể trở thành một trung tâm tạm bợ, chứ không phải là trung tâm lâu dài đối với họ. Tương tự như thị trường Đài Loan, tôi cho rằng chúng ta nên cho phép nhà đầu tư giao dịch với các thị trường khác thông qua cổng giao dịch quốc tế, nhưng cần phải giới hạn ở một vài nhóm nhất định,” ông Minh nhấn mạnh.
Thứ hai, khi mở rộng cánh cổng giao dịch quốc tế, có khả năng dòng vốn sẽ dịch chuyển hoàn toàn sang các thị trường khác mà không đầu tư vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ không có lợi cho Việt Nam, và để kiểm soát rủi ro này, cần mở cổng giao dịch quốc tế từng bước, với giới hạn nhất định và tăng dần tỷ trọng giao dịch, tránh việc “bung” ngay từ đầu.
Hải Đường-Link gốc