Lạm phát tại Mỹ đã tăng do giá thực phẩm, xăng dầu và tiền thuê nhà tiếp tục tăng, gây thất vọng cho các gia đình và doanh nghiệp đang vật lộn với chi phí cao hơn. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về việc trì hoãn cắt giảm lãi suất.
PBS News đưa tin, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã tăng 3% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo từ Bộ Lao động nước này. Con số này đã tăng từ 2,9% của tháng trước và cao hơn mức thấp nhất trong 3,5 năm là 2,4% vào tháng 9/2024.
Dữ liệu mới cho thấy lạm phát vẫn vượt trên mức trên mục tiêu 2% của Fed trong khoảng 6 tháng qua sau khi giảm đều trong khoảng 1,5 năm qua. Sự gia tăng bất ngờ của lạm phát có thể làm giảm bớt sự lạc quan của doanh nghiệp sau cuộc bầu cử của Tổng thống Trump, với cam kết giảm bớt quy định và cắt giảm thuế.

Giá cả leo thang chưa có dấu hiệu dừng lại
Theo báo cáo, giá thực phẩm đã tăng 0,5% chỉ trong tháng 1, chủ yếu do giá trứng tăng 15,2%, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2015. Giá trứng đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn do dịch cúm gia cầm, khiến hàng triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Ngoài ra, chi phí bảo hiểm ô tô tăng 2%, giá khách sạn tăng 1,4%, và giá xăng tăng 1,8%.
Các mức thuế quan của Tổng thống Trump cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Ông Phil Hannon, Phó Chủ tịch điều hành tại chuỗi cửa hàng điện tử Abt ở Glenview, Illinois cho biết, dự kiến sẽ tăng giá từ 3% đến 15% vào tháng 3 để bù đắp tác động của thuế quan thép và nhôm.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell trong phát biểu mới đây rằng, lãi suất hiện tại của Fed đang hạn chế việc vay và chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Mặc dù lạm phát đã giảm đáng kể so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, Fed vẫn duy trì lãi suất cao để kiểm soát lạm phát. Lãi suất cao của Fed có ảnh hưởng đến chi phí vay, bao gồm cả thế chấp và thẻ tín dụng.
Giới phân tích cho biết giá hàng hóa, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,3% trong tháng 1 so với tháng trước, cho thấy lạm phát vẫn còn dai dẳng. Nếu tình trạng lạm phát kéo dài trong vài tháng tới, các doanh nghiệp có thể giảm đầu tư và tuyển dụng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Fed vẫn giữ quan điểm cứng rắn về lãi suất, nhưng các yếu tố như thuế quan có thể tiếp tục tạo ra áp lực lớn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tăng thuế sẽ làm tăng lạm phát và người Mỹ mất việc làm?
Kế hoạch áp dụng thuế quan qua lại là chính sách nổi bật của chính quyền Tổng thống Trump. Theo đó, mức thuế sẽ tương đương với thuế mà các quốc gia khác áp dụng đối với hàng nhập khẩu do Mỹ sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia, kể cả đồng minh và đối thủ, sẽ phải chịu thuế quan tương tự khi xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ.
Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng, mức thuế quan mới sẽ giúp các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh công bằng với các nhà sản xuất nước ngoài, giúp giảm nợ quốc gia và mang lại sự thịnh vượng cho Mỹ. Tuy nhiên, theo luật hiện hành, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ có thể phải gánh chịu mức thuế mới này, hoặc thông qua việc tăng giá sản phẩm.
Các nhà kinh tế và chuyên gia cảnh báo rằng chính sách thuế quan này không những không giúp ích cho nền kinh tế Mỹ mà còn có thể gây tổn thất cho cả người tiêu dùng và người lao động, và còn khiến thị trường tài chính chịu ảnh hưởng.
Nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics Mark Zandi cảnh báo rằng, kế hoạch này có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng lo ngại trong thương mại toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, làm tăng lạm phát và khiến người Mỹ mất việc làm.

Ông Mark Zandi trả lời PBS News: "Tôi cảm thấy rất lo lắng về kế hoạch này. Đây có thể là một chiến lược thuế quan rộng rãi, gần như là thuế quan toàn diện với mọi quốc gia và mọi sản phẩm. Điều này có nghĩa là sẽ có lạm phát cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, vì thuế quan chính là một hình thức thuế đánh vào người tiêu dùng.
Để dễ hình dung, chỉ riêng thuế quan 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu giữ nguyên, sẽ làm giảm khả năng chi tiêu của một gia đình Mỹ từ 200 - 250 USD/ năm. Đây là một con số không nhỏ và tác động rất nghiêm trọng. Hơn nữa, các quốc gia khác sẽ không ngồi yên. Họ sẽ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan và hạn chế thương mại của riêng mình. Điều này có thể khiến nhiều người Mỹ mất việc làm và làm giảm sức mạnh của nền kinh tế. Về cơ bản, đây là một tình huống thua thiệt cho tất cả mọi người, cả trong và ngoài nước".
Ông Mark Zandi cũng bày tỏ lo lắng, nếu Tổng thống Trump thực hiện kế hoạch này, thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mức thuế quan trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã gây ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, việc làm và cả thị trường chứng khoán.
"Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm với thuế quan và các hạn chế thương mại trong lịch sử. Rất rõ ràng rằng thuế quan càng lớn, thì thương mại càng giảm, nền kinh tế càng yếu đi. Về lâu dài, điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, giảm năng suất và cuối cùng làm giảm mức sống của người dân. Vì vậy, tôi nghĩ đây là một chính sách không mang lại lợi ích cho ai cả.
Tổng thống Trump liên tục thay đổi và điều chỉnh các mức thuế quan, khiến các doanh nghiệp khó có thể đưa ra quyết định đầu tư dài hạn. Các sắc lệnh hành pháp của ông có thể thay đổi bất cứ lúc nào, điều này khiến doanh nghiệp không thể đoán trước được tình hình thuế quan trong tương lai. Nếu tôi là một doanh nhân, tôi sẽ rất khó để đưa ra quyết định đầu tư lớn khi không biết mức thuế quan sẽ là bao nhiêu và liệu chúng có thay đổi hay không trong tương lai", ông Zandi nói thêm.
Chuyên gia thương mại tại Viện Cato Scott Lincicome, cho rằng Mỹ hiện có mức thuế quan trung bình thấp, nhưng tuyên bố của Tổng thống Trump có vẻ như nhằm tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, thay vì thực sự hướng đến công bằng, vì Mỹ cũng có những hạn chế quy định đối với các sản phẩm nước ngoài.
Một viên chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, doanh thu thuế quan dự kiến sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách 1,9 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, các quốc gia khác, bao gồm EU, Canada và Mexico, đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trả đũa, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
Các nhà phân tích từ ngân hàng Wells Fargo cảnh báo rằng thuế quan có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, việc kéo dài cắt giảm thuế có thể giúp phục hồi nền kinh tế vào năm 2026.
Hoàng Minh-Link gốc