Cơ quan Phúc thẩm của WTO, bao gồm bảy chuyên gia về luật thương mại và quốc tế, đã không thể xử lý bất kỳ vụ việc mới nào kể từ tháng 12/2019, do Mỹ liên tục chặn các đề cử thành viên.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngay lập tức, Trung Quốc đáp trả bằng các loại thuế nhắm vào hàng nhập khẩu năng lượng, ô tô và phụ tùng máy móc của Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố ngày 4/2 rằng họ sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), về các mức thuế mà họ cho là bất hợp lý của Mỹ. Tuy nhiên, động thái này khó có thể mang lại kết quả, trừ khi cả Trung Quốc và Mỹ tìm được tiếng nói chung để tự giải quyết tranh chấp khi hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, vốn được thiết kế để xử lý những tình huống này, lại đang tê liệt trong nhiều năm.
Quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO trải qua nhiều giai đoạn. Khi một bên đưa ra khiếu nại, các cuộc tham vấn giữa các thành viên liên quan sẽ được tiến hành. Nếu không đạt được thỏa thuận, bên khiếu nại có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm đặc biệt, bao gồm từ ba đến năm chuyên gia. Các quốc gia có quyền kháng cáo phán quyết của ban hội thẩm.
Tuy nhiên, Cơ quan Phúc thẩm của WTO, bao gồm bảy chuyên gia về luật thương mại và quốc tế, đã không thể xử lý bất kỳ vụ việc mới nào kể từ tháng 12/2019, do Mỹ liên tục chặn các đề cử thành viên, khiến các ghế trống vẫn bị bỏ ngỏ.
Thực tế trên bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama và tiếp diễn dưới thời Tổng thống Donald Trump, và kéo dài đến nhiệm kỳ của người kế nhiệm Joe Biden.
Mỹ cáo buộc Cơ quan Phúc thẩm của WTO đã diễn giải quá mức các quy tắc thương mại quốc tế và không tuân thủ thời hạn hoàn thành các vụ việc theo quy định của WTO. Phía Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các quyết định của cơ quan này không được xâm phạm đến các vấn đề an ninh quốc gia.
Năm 2022, các thành viên của WTO đã quyết định tiến hành các cuộc thảo luận nhằm khôi phục một hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động đầy đủ vào năm 2024. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được.
Trong thời gian chờ đợi, một số thành viên của WTO, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đã phát triển một quy trình phúc thẩm thay thế, cho phép một số vụ việc tiếp tục được xử lý. Tuy nhiên, Mỹ đã không tham gia vào hệ thống này.
Do đó, mặc dù hệ thống tạm thời này có hiệu quả đối với các quốc gia tham gia, song lại không ngăn cản các thành viên WTO khác tiếp tục kháng cáo lên Cơ quan Phúc thẩm vốn đã tê liệt, khiến các vụ việc rơi vào tình trạng lấp lửng và không thể giải quyết.
Theo WTO, hiện có tới 32 phán quyết của các ban hội thẩm tranh chấp đã bị kháng cáo và không thể thực thi.
Trà My-Link gốc