Ông Nguyễn Duy Anh (VCBF) cho rằng các yếu tố như triển vọng nâng hạng thị trường, việc triển khai hệ thống giao dịch KRX trong năm nay có thể thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.
Bước vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, ông Nguyễn Duy Anh, CFA, Giám đốc Quản lý Danh mục Đầu tư tại Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), nhận định, 2025 sẽ là một năm với nhiều biến động tương đối cao, bởi vị tổng thống này có thể đưa ra nhiều quyết định quan trọng về thương mại và luật pháp, với tốc độ thực thi nhanh chóng – chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần. Điều này có thể làm gia tăng biến động trên thị trường, do đó nhà đầu tư tham gia trong giai đoạn này cần chấp nhận rủi ro nhất định.
Tuy nhiên, xét riêng tại Việt Nam, triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán vẫn rất khả quan. Ông Duy Anh nhấn mạnh: “Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, với sự vươn mình mạnh mẽ của nền kinh tế, và thị trường chứng khoán chắc chắn cũng sẽ hưởng lợi từ điều đó. Chúng tôi kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ đạt mức định giá ngang tầm khu vực”
Hiện tại, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Nếu tính theo mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo cho năm 2025 (18% – 20%), hệ số P/E của thị trường chỉ khoảng 12 lần. Đáng chú ý, dù nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục rút ròng trong năm qua, nhưng thị trường vẫn giữ được trạng thái ổn định. Trước đây, khi khối ngoại bán mạnh, thị trường thường điều chỉnh 15% – 20%. Tuy nhiên, hiện tại, dù áp lực bán lớn, thị trường chỉ dao động đi ngang, cho thấy dòng tiền nội địa đang rất vững chắc.
.png)
Ông Trần Thăng Long và ông Nguyễn Duy Anh tại Talkshow Phố Tài chính
Bên cạnh đó, các yếu tố như triển vọng nâng hạng thị trường và việc triển khai hệ thống giao dịch KRX trong năm nay có thể thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại. Kết hợp với nền tảng thanh khoản mạnh mẽ từ dòng vốn nội, triển vọng đầu tư trong 2 – 3 năm tới được đánh giá tích cực.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), cũng nhận định rằng năm 2025 sẽ là một năm khả quan cho thị trường chứng khoán. Theo kịch bản cơ sở của BSC, VN-Index có thể đạt khoảng 1.425 điểm, với mức P/E dao động từ 14 – 14,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết dự kiến đạt 16% – 18%. Dự báo này dựa trên triển vọng vĩ mô tích cực, với tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 7,5% – 8% vào năm 2025.
Ngoài ra, thị trường có thể được nâng hạng vào tháng 9/2025 theo đánh giá của FTSE. Một yếu tố quan trọng khác là sự quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc sớm vận hành hệ thống giao dịch KRX, dự kiến vào giữa năm nay. Điều này sẽ tạo tâm lý lạc quan và sự hứng khởi giúp nhà đầu tư chấp nhận mức định giá thị trường cao hơn so với năm 2024.
Dù triển vọng tích cực, ông Long cũng cảnh báo về một số rủi ro. Từ đầu năm 2025 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các xung đột thương mại toàn cầu và căng thẳng địa chính trị vẫn là yếu tố bất định, có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thế giới và tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. “Trong năm nay, thị trường có thể trải qua một số giai đoạn điều chỉnh do các tin tức liên quan đến thương chiến, trước khi trở lại xu hướng tăng trưởng dài hạn,” ông Long nhận định.
Thanh khoản tăng mạnh, dòng tiền sẽ chảy vào đâu?
Theo ông Trần Thăng Long, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, dấu hiệu này đã xuất hiện từ đầu năm với sự cải thiện rõ rệt về thanh khoản. Về sự luân chuyển của dòng tiền, trong giai đoạn đầu năm, những thông tin tích cực như khả năng nâng hạng thị trường và việc hoàn thiện hệ thống công nghệ giao dịch mới KRX sẽ mang lại lợi ích cho một số nhóm ngành nhất định, đặc biệt là ngành chứng khoán và các doanh nghiệp liên quan đến KRX.
Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng và các cổ phiếu vốn hóa lớn có thanh khoản cao cũng sẽ thu hút dòng tiền. Đây là những nhóm có tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) lớn và thường nằm trong các rổ chỉ số của các tổ chức đầu tư quốc tế. Vì vậy, trong nửa đầu năm 2025, các nhóm ngành này có khả năng dẫn dắt thị trường.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2025, BSC dự báo dòng tiền có thể luân chuyển sang các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực, đặc biệt là những lĩnh vực dự kiến phục hồi mạnh mẽ như bán lẻ, công nghệ thông tin, logistics và khu công nghiệp. Đây là các ngành gắn liền với xu hướng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Duy Anh cho rằng khi nền kinh tế tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, hầu hết các nhóm ngành đều sẽ được hưởng lợi. Ông lấy ví dụ: nếu dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, giúp GDP tăng trưởng ở mức 8 – 10%/năm, thì lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết – vốn là những đơn vị đầu ngành – có thể tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này có nghĩa là lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có thể đạt mức tăng trưởng 15 – 20% mỗi năm trong vòng 5 – 10 năm tới, mở ra tiềm năng lớn cho thị trường.
Xét theo từng nhóm ngành, ông Duy Anh đánh giá công nghệ thông tin dù bị bán mạnh trong thời gian gần đây nhưng vẫn là lĩnh vực giàu tiềm năng. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế và dòng vốn FDI sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khu công nghiệp. Ngoài ra, nhóm ngành điện, nước cũng đáng chú ý do vai trò thiết yếu trong sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, ông Duy Anh nhấn mạnh rằng thay vì chỉ tập trung vào việc ngành nào sẽ hưởng lợi, nhà đầu tư cần xác định những cổ phiếu cụ thể có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn trong bức tranh chung. Ngay cả trong những giai đoạn khó khăn, vẫn có những doanh nghiệp vươn lên và trở thành đầu tàu trong ngành. Vì vậy, chiến lược đầu tư của VCBF luôn hướng đến việc lựa chọn doanh nghiệp tiềm năng thay vì đầu tư dàn trải theo ngành.
Hải Đường-Link gốc