Goldman Sachs đã nâng khuyến nghị đối với nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu châu Á lên mức "khả quan", còn JPMorgan cũng có động thái tương tự với nhóm cổ phiếu này tại Đông Nam Á.
Cuộc chiến thương mại toàn cầu vô tình lại đang tạo cơ hội cho nhóm cổ phiếu tiêu dùng châu Á, khi nhà đầu tư tìm đến các công ty phục vụ nhu cầu thiết yếu như một kênh trú ẩn an toàn.
Sau khi Mỹ áp thuế quan mới vào ngày 2/4, các chiến lược gia tại ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley đều đưa ra báo cáo khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng thiết yếu châu Á như chiến lược phòng thủ.
Cụ thể, Goldman Sachs đã nâng khuyến nghị đối với nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu châu Á lên mức "khả quan", còn JPMorgan cũng có động thái tương tự với nhóm cổ phiếu này tại Đông Nam Á.
Fidelity International cũng đã tranh thủ mua vào các cổ phiếu tiêu dùng Trung Quốc đang bị bán tháo, khi quỹ đầu tư này đặt cược vào khả năng các công ty đó sẽ hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế của chính phủ.
Thực tế, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á - Thái Bình Dương cho ngành hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng 5% kể từ ngày 2/4, dẫn đầu đà đi lên trong 11 nhóm ngành và hoàn toàn trái ngược với mức giảm 2,5% của thị trường chung. Đáng chú ý, cổ phiếu của chuỗi siêu thị Yonghui Superstores (Trung Quốc) và Kobe Bussan (Nhật Bản) đều bứt phá ít nhất 19%. Nhiều nhà sản xuất đồ uống, sữa khác cũng ghi nhận diễn biến tích cực cho cổ phiếu của họ.
Đây là sự đảo chiều đáng kể đối với nhóm ngành này, vốn bị lu mờ trong vài năm qua bởi cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đã đưa cổ phiếu công nghệ lên ngôi. Điều này cho thấy dòng tiền đang có sự luân chuyển khỏi các cổ phiếu tăng trưởng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung phủ bóng lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu còn được hỗ trợ bởi tín hiệu các chính phủ châu Á sẵn sàng tung ra các gói kích thích tài khóa để thúc đẩy chi tiêu.
Bà Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư trưởng tại nền tảng giao dịch Saxo Markets, nhận định diễn biến này cho thấy sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư, từ việc chạy theo tăng trưởng toàn cầu và xuất khẩu sang tìm kiếm sự an toàn trong sức bật của nhu cầu nội địa. Theo bà, nhà đầu tư đang bắt đầu tính đến một thế giới ngày càng phân mảnh, nơi các chính sách hỗ trợ và tiêu dùng nội địa đóng vai trò then chốt hơn.
Dù chiến tranh thương mại kéo dài sẽ tác động đến hầu hết các ngành, nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu vẫn chứng tỏ được sức bền trong những giai đoạn kinh tế khó khăn. Hơn nữa, việc chỉ số ngành này đã giảm liên tiếp bốn năm tính đến năm 2024 - trái ngược với đà tăng gần như liên tục của chỉ số công nghệ thông tin từ năm 2019 - cũng cho thấy tiềm năng phục hồi và bắt kịp.
Trong giai đoạn thị trường hỗn loạn vừa qua, cổ phiếu tiêu dùng châu Á cũng chống chịu tốt hơn so với các đối thủ ở Mỹ và châu Âu, một phần nhờ các cam kết hỗ trợ chính sách kịp thời từ chính phủ.
Xu hướng luân chuyển dòng vốn này có thể tiếp diễn khi các kế hoạch kích thích tài khóa được hé lộ. Trung Quốc gần đây đã công bố 48 biện pháp kích cầu tiêu dùng hộ gia đình, Hàn Quốc cũng nâng ngân sách bổ sung lên 12.000 tỷ won (8,4 tỷ USD), còn Ấn Độ kỳ vọng mùa mưa thuận lợi sẽ thúc đẩy nhu cầu ở nông thôn.
Ông Hironori Akizawa, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Tokio Marine Asset Management International Pte, giải thích rằng ngành tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tương đối ổn định và ít doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ. Kịch bản tích cực là các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng.
Ngược lại, cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu lại sụt giảm do lo ngại người dân thắt chặt chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. Theo ông James Thom, Giám đốc đầu tư cấp cao về cổ phiếu châu Á tại công ty quản lý tài sản Aberdeen Investments, rủi ro chính đối với nhóm cổ phiếu này là lạm phát tăng cao, có thể làm giảm sức hấp dẫn của ngành.
Ông Nick Twidale, nhà phân tích thị trường trưởng tại công ty môi giới đầu tư AT Global Markets, cho hay dòng tiền có thể quay trở lại các ngành như tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ nếu tâm lý chấp nhận rủi ro được cải thiện. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi Mỹ thay đổi chính sách thuế quan.
Hiện giới đầu tư đang ngày càng đồng thuận rằng cổ phiếu ngành hàng thiết yếu là lựa chọn an toàn hơn. Nhóm ngành này được kỳ vọng mang lại mức tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi so với chỉ số chứng khoán MSCI châu Á - Thái Bình Dương trong 12 tháng tới.
Hương Thủy-Link gốc