Trước tối hậu thư của Tổng thống Trump, khả năng Mỹ rút khỏi đàm phán Nga - Ukraine đang hiện hữu. Điều gì sẽ chờ đợi Ukraine nếu mất đi sự hậu thuẫn của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: AA/TTXVN
Theo hãng thông tân độc lập UNIAN (Ukraine), khi thời hạn 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống đang tiến gần, ông Donald Trump đang gia tăng áp lực đối với các bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng - một cam kết mà ông đã nhiều lần nhắc đến trong chiến dịch tranh cử.
"Tôi nghĩ Nga và Ukraine đang có tiến triển. Chúng tôi hy vọng; [dù tình hình] rất mong manh. Tôi nghĩ chúng ta đã khá gần (thoả thuận) rồi", ông nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 25/4, nhấn mạnh rằng sẽ là "vinh dự lớn" cho ông khi được làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Moskva và Kiev", thể hiện sự nôn nóng trong việc ghi điểm ngoại giao quan trọng.
Dấu hiệu lo ngại từ phía Mỹ
Bình luận với UNIAN, nhà Khoa học Chính trị, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Chính trị Ukraine Maxim Yali, cho rằng cuộc họp tại London (theo hình thức tham vấn đa phương) giữa đại diện của Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã không diễn ra như kế hoạch. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng Ngoại trưởng Marco Rubio không tham dự, cũng như đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, Steve Witkoff. Thay vào đó, chỉ có đại diện đặc biệt Keith Kellogg từ phía Mỹ.
Động thái này cho thấy Washington đang có dấu hiệu lo ngại về khả năng thành công của các cuộc đàm phán. Điều đáng chú ý là Ngoại trưởng Rubio gần đây đã thừa nhận khả năng Mỹ có thể rút khỏi tiến trình đàm phán.
"Chúng ta phải xác định trong những ngày tới liệu hòa bình có thể đạt được hay không. Và nếu không thể, chúng tôi phải dừng lại, vì Mỹ có những ưu tiên khác", ông Rubio lưu ý, phản ánh sự mệt mỏi ngày càng tăng của Washington đối với các cuộc đàm phán không hiệu quả.
Một trong những dự thảo được truyền thông phương Tây thảo luận đề xuất một số nội dung gây tranh cãi: Đóng băng các chiến tuyến hiện tại; triển khai "lực lượng gìn giữ hòa bình" ở Ukraine, không bao gồm quân đội Mỹ; đặt Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia và thành phố Energodar dưới sự kiểm soát của Mỹ, công nhận "Crimea thuộc về Nga". Như nhà phân tích chính trị người Ukraine Vadym Denysenko nhận định với UNIAN: "Kiev khó có thể công nhận Crimea".
Ngược lại, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu về các vấn đề xã hội dân sự Ukraien Vitaliy Kulyk, nghi ngờ rằng Mỹ sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán: "Tôi vẫn lạc quan. Tổng thống Trump đã gắn chặt chiến lược chính sách đối ngoại của mình quá nhiều vào Ukraine. Và bây giờ, việc từ bỏ mọi thứ và nói rằng nó không hiệu quả có nghĩa là bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng một thất bại. Trong trường hợp đó, sẽ rất khó để ông ấy giải thích với xã hội Mỹ về các sáng kiến tiếp theo của mình".
Theo chuyên gia trên, vẫn còn quá sớm để từ bỏ các cuộc đàm phán, nhưng người ta cũng không nên mong đợi một nền hòa bình nhanh chóng. Ông Kulyk cho rằng, sự mệt mỏi của Mỹ về cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ được bù đắp bằng việc những thế lực mới sẽ dần tham gia vào quá trình đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Washington D.C. ngày 28/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Tác động đến Ukraine nếu Mỹ "rút lui"
Viện trợ quân sự hiện tại mà Ukraine đang nhận được chủ yếu đã được chính quyền Biden chấp thuận trước đó. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine hiện tự sản xuất 40% vũ khí và nhận 60% còn lại từ các đối tác, phần lớn là từ Mỹ.
Vấn đề không chỉ là liệu Ukraine có thể xoay xở nếu không có Mỹ, mà là phải trả giá như thế nào. Một số loại vũ khí không thể thay thế được, như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot - hệ thống duy nhất Ukraine có thể dùng để bắn hạ tên lửa đạn đạo, hay tên lửa ATACMS.
Oleksiy Yizhak tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, nêu quan điểm: "Nếu Mỹ bán vũ khí cho Ukraine để lấy tiền của châu Âu, chúng ta sẽ tiếp tục thấy tình hình như trước đây. Nghĩa là Ukraine đang tự vệ, gây áp lực lên Nga, trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây tiếp tục gây áp lực lên Nga".
Ngược lại, nếu Mỹ không bán vũ khí, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa, điều này sẽ làm tăng rủi ro cho Ukraine không chỉ ở tiền tuyến mà còn ở hậu phương. "Một vấn đề lớn hơn đối với chúng tôi có thể là khả năng chịu đựng cuộc chiến của xã hội. Xét cho cùng, Nga đang ngày càng gây áp lực lên xã hội và doanh nghiệp Ukraine", chuyên gia Yizhak cảnh báo.
Trong khi đó ngày 26/4, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ hầu hết các điểm trong thỏa thuận có thể đạt được về giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine đã được nhất trí, đồng thời nói thêm rằng hai bên hiện nên có một cuộc họp "ở cấp rất cao".
"Một ngày tốt lành trong các cuộc đàm phán và họp với Nga và Ukraine. Họ đã rất gần với một thỏa thuận, và hai bên hiện nên gặp nhau, ở cấp rất cao, để 'hoàn tất'. Hầu hết các điểm chính đã được nhất trí", ông Trump viết trên trang Truth Social của mình.
Trước đó Tổng thống Trump cho biết vài ngày tới sẽ rất quan trọng đối với các cuộc đàm phán nhằm giải quyết vấn đề Ukraine. "Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc chiến đó. Chúng tôi muốn chấm dứt nó một cách nhanh chóng. Và tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được nhiều tiến triển, và chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong vài ngày tới, điều này sẽ rất quan trọng. Các cuộc họp đang diễn ra ngay bây giờ", nhà lãnh đạo Mỹ nói với các phóng viên tại cuộc gặp với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tại Nhà Trắng.
Tóm lại, khi 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đang đến gần, câu hỏi vẫn còn đó: Liệu ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình, hay sẽ tìm cách rút lui khỏi một cuộc xung đột phức tạp đã kéo dài nhiều năm?
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Link gốc