Đồng USD được cho là luôn bị định giá cao hơn thực tế, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Mỹ
.jpg)
Đồng USD. Ảnh: THX/TTXVN
Bình luận về tương lai của đồng USD và tiền điện tử ở Mỹ, nhật báo Les Echos dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế Pháp cho rằng, chính sách tiền mã hóa của Mỹ là một cuộc chơi nguy hiểm. Chính sách này đi kèm với chủ trương làm suy yếu đồng USD sẽ tạo nên một sự xung đột.
Chuyên gia kinh tế Pháp Eric Le Boucher bình luận rằng hậu quả sẽ là một cuộc khủng hoảng niềm tin lan rộng, làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, trong đó Mỹ sẽ là nước chịu thiệt hại đầu tiên. Về mặt quốc phòng, ông Donald Trump cho rằng trật tự Pax Americana sau năm 1945 đã diễn ra với thiệt hại thuộc về Mỹ, khi nước này phải trả chi phí bảo vệ cho các quốc gia khác.
Đối với đồng USD, lập luận cũng tương tự. Là đồng tiền dự trữ và là công cụ bảo chứng cho sự ổn định tài chính, đồng USD thu hút dòng tiền từ khắp nơi trên thế giới mong muốn tìm kiếm sự an toàn. Do đó, đồng USD được cho là luôn bị định giá cao hơn thực tế, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Mỹ. Theo ông Trump, người Mỹ đang bị "lợi dụng" và điều này cần phải thay đổi.
Hạ giá trị đồng USD để khôi phục năng lực cạnh tranh của Mỹ là bước đầu tiên trong chiến lược này. Tuy nhiên, ông Trump không muốn đồng USD mất đi vị thế đồng tiền hàng đầu thế giới. Thứ nhất, vì đây là một loại vũ khí quyền lực cho phép Mỹ áp đặt quy định và ý chí của mình ra ngoài lãnh thổ. Thứ hai, việc mất niềm tin vào đồng USD có thể đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao và lan sang thị trường chứng khoán. Vì vậy, Tổng thống Trump muốn một đồng USD yếu trong tỷ giá hối đoái, nhưng mạnh về vị thế.
Chuyên gia Stephen Miran, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tin rằng họ đã tìm ra cách giải quyết một bài toán không có lời giải: "Dựng một hình vuông có diện tích hình tròn". Hai quan chức này muốn tái lập một thỏa thuận tương tự Hiệp định Plaza, khi đó vào ngày 22/11/1985, các nước G5, bao gồm Pháp, Đức, Anh, Mỹ và Nhật Bản đã nhóm họp tại một khách sạn ở New York và đồng ý hạ giá đồng USD để giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân tài khoản vãng lai của Mỹ.
Một thỏa thuận mới đã được 5 nước này xây dựng, gọi là Hiệp định Mar-a-Lago, lấy cảm hứng từ Hiệp định Plaza năm 1985, nhằm mục tiêu phá giá đồng USD để kích thích xuất khẩu của Mỹ. Theo kế hoạch này, các đối tác thương mại sẽ đồng ý để đồng USD mất giá một cách có kiểm soát, đổi lại họ sẽ nhận được những lợi ích như đảm bảo an ninh hoặc quyền tiếp cận ưu tiên vào thị trường Mỹ.
Đồng thời, kế hoạch này yêu cầu các ngân hàng trung ương bán trái phiếu kho bạc Mỹ (T-Bonds) để mua các trái phiếu kỳ hạn 100 năm không có lãi suất (không trả lãi định kỳ). Đây sẽ là cái giá phải trả để ổn định tài sản của họ.
Với tinh thần sáng tạo tương tự, các cố vấn của ông Trump đang tìm kiếm một hệ thống tiền tệ quốc tế thay thế hệ thống hiện tại – hệ thống Bretton Woods – được xây dựng bằng các loại tiền kỹ thuật số, vàng hoặc hàng hóa.
Tuy nhiên, các đối tác liên quan như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Anh, chưa kể Trung Quốc, chắc chắn sẽ từ chối việc mua trái phiếu không có lãi suất. Do đó, các cố vấn của ông Trump dự định sử dụng thuế quan làm vũ khí để ép buộc họ tham gia. Hoặc là mua trái phiếu đó, hoặc là chịu thuế – bằng cách này hay cách khác, họ phải trả cái giá mà Nhà Trắng đặt ra.
Theo chuyên gia kinh tế Eric Le Boucher, việc tự hạ bệ hệ thống USD của Mỹ sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin trên diện rộng, làm bùng phát các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong một thế giới đang ngập trong nợ nần và bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Sự hỗn loạn kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước, từ giàu đến nghèo. Nhưng Mỹ sẽ là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Tiếp theo: Những toan tính của Nhà Trắng - Bài cuối: Cuộc chơi với lửa
Thu Hà-Link gốc