Không thể trụ vững “sắc xanh” tích cực trong bối cảnh thị trường chung “đỏ lửa”, cổ phiếu SAB
của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục giảm 1,73% về mức 42.600 đồng/cp trong phiên 8/4.
Như vậy, với 4 phiên giảm liên tiếp, bao gồm 1 phiên giảm sàn, thị giá SAB
lùi về vùng đáy lịch sử, vốn hóa thị trường chỉ còn gần 55.000 tỷ đồng.
Trong thông tin mới nhất, ngày 24/4 tới, Sabeco dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Theo tài liệu vừa công bố, "ông lớn" ngành bia này dự kiến trình cổ đông về việc chi trả cổ tức với tỷ lệ 50% (1 cổ phiếu được nhận 5.000 đồng), cao hơn so với kế hoạch 35% trước đó. Với gần 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp sẽ “rút hầu bao” hơn 6.400 tỷ đồng thanh toán cổ tức năm 2024, tăng hơn 1.900 tỷ so với mục tiêu ban đầu.
Cuối năm ngoái, Sabeco đã tạm ứng cổ tức 20%. Nếu phương án trên được thông qua, công ty dự kiến thanh toán nốt cổ tức tỷ lệ 30% trong thời gian tới, dự kiến trong tháng 7/2025.

Thị giá SAB
lùi về vùng đáy lịch sử.
Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2025, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 31.641 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.835 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ.
Với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 8%, Sabeco muốn chia cổ tức 2025 bằng tiền mặt tỷ lệ 50%, tương đương chi hơn 6.400 tỷ đồng, cao hơn mức lợi nhuận đạt được trong năm.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa gửi công văn hỏa tốc đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành để kiến nghị về việc giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh thuế quan toàn cầu phức tạp.
Theo VBA, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đơn cử như động thái áp thuế đối ứng rất cao từ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 2/4.
Dù còn quá sớm để đánh giá được hết các tác động của chính sách áp thuế đối ứng và những tác động cụ thể tới ngành đồ uống, VBA vẫn đưa ra một số đề xuất để duy trì sức hấp dẫn, cạnh tranh và niềm tin và thu hút đầu tư nước ngoài.
“Hiện ngành đồ uống là khu vực thu hút nhiều vốn đầu tư trong nước và những tập đoàn ngoại lớn như Heineken, Sabeco, Carlsberg, Coca-Cola…”, VBA lập luận.
Một trong những động lực đã được nhận diện là đẩy mạnh tiêu dùng trong nước để tạo sự bền vững cho tăng trưởng. Cụ thể là các chính sách đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ cho các doanh nghiệp để có thể đóng góp vào động lực tăng trưởng.
Trong bối cảnh hiện nay, VBA và các doanh nghiệp ngành đồ uống kiến nghị xem xét lộ trình phù hợp khi thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhấn mạnh việc lùi thời điểm thực hiện và giãn, giảm việc tăng thuế các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát để giảm những tác động động tiêu cực tới ngành, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển và đóng góp vào tăng trưởng thời gian tới.
Châu Anh-Link gốc