Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam đã đẩy thị trường chứng khoán “rơi” mạnh. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên thận trọng nhiều hơn vì thị trường đang song hành rủi ro áp lực giải chấp dư nợ ký quỹ.
Sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục gặp áp lực giảm điểm mạnh. Hiện tại, cả 3 chỉ số chứng khoán đều đã rơi xuống vùng thấp nhất kể từ đầu năm 2024, nhiều nhóm cổ phiếu xuống đáy mới trong hơn 1 năm.
Trở nên khó đoán định
Mức thuế đối ứng của Mỹ lên đến 46% được đánh giá là cú sốc khiến VN-Index rơi mạnh hơn 100 điểm trong 2 phiên trước kỳ nghỉ lễ. Tác động không chỉ gói gọn trong ngành xuất khẩu (như dệt may, điện tử, gỗ, thủy sản...) mà lan rộng sang tỷ giá, FDI cũng như tâm lý nhà đầu tư.
Một trong những quỹ ngoại lớn nhất tại Việt Nam là Pyn Elite Fund cũng đã có phần thận trọng hơn so với những báo cáo trước đây.
“Những chính sách kinh tế của Tổng thống Trump sẽ nhanh chóng làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn”, người đứng đầu Pyn Elite Fund nhận định.

Nhiều nhóm cổ phiếu xuống đáy mới trong hơn 1 năm.
Bộ phận phân tích chứng khoán Pinetree cho biết, cú sốc thuế quan như nguyên nhân châm ngòi cho hiệu ứng “thiên nga đen”, TTCK trở nên tiêu cực và vô cùng khó đoán.
Theo đó, không ít công ty chứng khoán đã phát đi cảnh báo về rủi ro gia tăng giải chấp. Thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh theo nhóm ngành và chất lượng doanh nghiệp.
“Trong thời điểm ngắn hạn hiện tại, nhà đầu tư nên thận trọng nhiều hơn vì thị trường đang song hành thêm rủi ro áp lực giải chấp dư nợ ký quỹ”, bà Lan Anh, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset nhấn mạnh.
Giới phân tích đều cho rằng hiện tại rất khó để nhận định chính xác về xu hướng của thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều tổ chức lớn đều đánh giá "chứng sĩ" Việt Nam đã phản ứng có phần thái quá trước thông tin về thuế quan.
Theo chuyên gia của Dragon Capital, tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu sang Mỹ của doanh nghiệp trong rổ VN-Index chỉ chiếm 2%, nên tác động từ thuế mới không đáng kể ở góc độ tổng thể. Các nhóm ngành bị ảnh hưởng gồm hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm, thép, nhưng tổng vốn hóa chỉ chiếm 5,5% VN-Index.
Về mặt thông tin, đội ngũ phân tích VDSC cho rằng “đáy của sự tiêu cực” từ chính sách đã hiện hữu, những tín hiệu tốt từ các vòng đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là chất xúc tác cho thị trường phục hồi khi mà Việt Nam không tham vọng leo thang căng thẳng thương mại so với Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Canada.
Với mức độ phản ứng nhanh và mạnh của thị trường ngay sau khi có thông tin về thuế quan của chính quyền Trump, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ sớm tìm được điểm cân bằng sau khi rớt về vùng 1.140 – 1.165 điểm, và phục hồi về ngưỡng 1.285 điểm sau đó.
Cơ sở cho kỳ vọng này đến từ định giá thấp so với giai đoạn 2018-2019, phản ứng của thị trường tài sản trú ẩn (vàng, USD) không tăng mạnh sau sự kiện rủi ro trên. Trong khi đó, VDSC cũng không loại trừ kịch bản một thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được trước ngày 9/4, qua đó kỳ vọng sự tích cực sẽ quay trở lại giúp chỉ số phục hồi.
Dưới góc nhìn của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect, những tác động tiêu cực có thể được giảm nhẹ phần nào nếu Chính phủ kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ như tăng đầu tư công hay nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây sẽ là những yếu tố cứu cánh trong ngắn hạn cho tăng trưởng và tâm lý thị trường.
Cơ hội trong rủi ro
Về yếu tố mùa vụ, tháng 4 và tháng 5 là thời điểm “vùng trống thông tin”, không có thông tin tích cực hỗ trợ, nên diễn biến thị trường thế giới sẽ tác động đến chỉ số VN-Index lớn hơn.
Bên cạnh đó, ở trong nước, tỷ giá vẫn là rủi ro lớn nhất, gây áp lực lên thị trường trong suốt nửa đầu năm. Sau thông tin thuế đối ứng, tỷ giá liên ngân hàng bật tăng lên mức gần 25.800 VND/USD (tăng +1,3% so với đầu năm), tỷ giá trên thị trường tự do cũng áp sát ngưỡng 26.000 VND/USD, cao nhất từ đầu năm đến nay.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần theo sát từng diễn biến đàm phán quốc tế, đánh giá lại nền tảng vĩ mô trong nước và tái cấu trúc danh mục đầu tư với tầm nhìn dài hạn, thay vì phản ứng cảm tính theo nhịp giảm.
Các công ty chứng khoán như SHS và MBS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, tránh mua đuổi, đồng thời tận dụng cơ hội để tích lũy các mã đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế. Trong ngắn hạn, quản trị rủi ro là ưu tiên hàng đầu.
Theo các chuyên gia SHS, trong ngắn hạn, thị trường đã chịu cú sốc thuế quan vượt các dự tính, lẽ thông thường. Đây là áp lực lớn, bất ngờ đối với nền kinh tế cũng như nhà đầu tư, dẫn đến thị trường có phiên giao dịch bán mạnh với mức giảm và thanh khoản đột biến nhất trong lịch sử. Điều này có thể tiếp tục dẫn đến áp lực bán giải chấp dư nợ ký quỹ trong những phiên tới. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý, cần ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay. Mục tiêu đầu tư nên hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế.
MBS cho rằng, thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn. Với nhận định nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tăng trưởng tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp, các nhóm ngành như bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng.
Chứng khoán VDSC đánh giá chính sách thuế quan mới của chính quyền Trump sẽ có tác động đáng kể đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do vậy, cho đến khi có các thông tin mới về kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, nhóm phân tích cho rằng việc ưu tiên quản trị danh mục nên được đặt lên hàng đầu. Nhà đầu tư có thể tận dụng các đợt phục hồi của thị trường để giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và cơ cấu danh mục đầu tư.
“Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường là cơ hội để tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành mà hoạt động kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu ”, VDSC khuyến nghị.
Theo đó, các cổ phiếu có thể quan sát bao gồm: CTG, VCB, BID, MBB, REE, POW, HPG, GEG, NT2, HAH, KDH. Ngoài ra, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể tăng tỷ trọng ngắn hạn vào nhóm cổ phiếu Beta cao khi thị trường phục hồi ban đầu, nhằm cải thiện hiệu suất đầu tư trước khi quay lại tỷ trọng chiến lược.
Hải Giang-Link gốc