Cơ quan Quản lý tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) đã bơm 60,543 tỷ HKD (7,81 tỷ USD) và 12,788 tỷ HKD (1,64 tỷ USD) vào thị trường trong phiên 6/5 tại New York và Hong Kong.

Hong Kong (Trung Quốc) bơm thêm khoảng 9,45 tỷ USD vào thị trường. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Theo hkcna.hk ngày 6/5, tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt châu Á so với đồng USD đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, đồng HKD tiếp tục mạnh lên và được giao dịch ở mức 7,75 HKD/USD. Cơ quan Quản lý tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) đã bơm 60,543 tỷ HKD (7,81 tỷ USD) và 12,788 tỷ HKD (1,64 tỷ USD) vào thị trường trong phiên 6/5 tại New York và Hong Kong.
Trong những ngày gần đây, cơ quan này đã bơm vốn bốn lần, với tổng số tiền lên tới 129,402 tỷ HKD. Đến ngày 8/5, tổng số dư của hệ thống ngân hàng Hong Kong dự kiến tăng lên 174,1 tỷ HKD.
Hong Kong bắt đầu thực hiện hệ thống tỷ giá hối đoái cố định giữa HKD và USD vào năm 1983. Tỷ giá ban đầu được công bố ở mức 7,8 HKD/USD và kể từ đầu năm 2005 đến nay, tỷ giá dao động trong khoảng 7,75-7,85 HKD/USD. Cơ quan Quản lý tiền tệ Hong Kong (HKMA) có thể tiến hành các hoạt động thị trường trong phạm vi tỷ giá hối đoái phù hợp với các nguyên tắc của hệ thống tỷ giá hối đoái cố định.
Trong hơn 10 năm qua, HKMA đã tiếp nhận các giao dịch mua HKD quy mô lớn trong ba giai đoạn: sau cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ từ năm 2008 đến năm 2009, khi các công ty Trung Quốc tăng cường đến Hong Kong để niêm yết từ năm 2012 đến năm 2015 và vào đầu thời kỳ dịch COVID-19 khi dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ nghiêm trọng hơn và tiền đổ vào Hong Kong để phòng ngừa rủi ro.
Giám đốc điều hành HKMA Eddie Yue cho biết lý do chính giải thích cho dòng HKD chảy vào gần đây. Trước tiên, thị trường chứng khoán Hong Kong hoạt động tốt với lượng lớn tiền đổ vào thông qua "Hong Kong Stock Connect", trong khi các nhà đầu tư toàn cầu đã phân tán rủi ro bằng cách bán USD và mua các loại tiền tệ châu Á. Cùng lúc đó, một lượng lớn các vị thế bán khống ở các loại tiền tệ châu Á đã bị đóng lại, đặc biệt là sau thông tin về thuế đối ứng của Mỹ vào đầu tháng Tư, khiến nhu cầu theo đuổi đồng HKD tăng cao đáng kể.
Ông Eddie Yue cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào đồng HKD, khi các cổ phiếu mới, lớn đến Hong Kong để huy động vốn, một số nhà đầu tư sẽ mua HKD trước để chuẩn bị cho các cổ phiếu mới và đồng HKD dự kiến sẽ tiếp tục mạnh. Khi cán cân của hệ thống ngân hàng tăng lên, lãi suất liên ngân hàng HKD sẽ tự nhiên giảm xuống. Nếu thấp hơn lãi suất của Mỹ, có thể có động lực cho giao dịch chênh lệch lãi suất để bán HKD và mua USD. Tuy nhiên, thị trường tài chính hiện nay khá bất ổn và quy mô của giao dịch chênh lệch lãi suất vẫn chưa được xác định.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang bắt đầu đa dạng hóa các khoản đầu tư và giảm lượng nắm giữ đồng USD. Ông Eddie Yue chỉ ra rằng Kho bạc Mỹ hiện vẫn là tài sản thanh khoản nhất và gần 70% dự trữ của các ngân hàng trung ương được tính bằng đồng USD. Ngay cả việc đa dạng hóa các khoản đầu tư cũng cần có thời gian và dự kiến đồng USD vẫn sẽ là tài sản dự trữ chính trong thời gian tới.
Tỷ lệ tài sản USD trong quỹ ngoại hối của Hong Kong là 79%, giảm so với mức hơn 90% trong những năm trước. Ông Eddie Yue giải thích rằng theo hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, một nửa tài sản của Quỹ ngoại hối nằm trong danh mục dự phòng nhằm duy trì sự ổn định của đồng HKD, thị trường tài chính và đều là tài sản bằng USD có tính thanh khoản cao, ngắn hạn.
Link gốc