• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.269,80 +19,43/+1,55%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.269,80   +19,43/+1,55%  |   HNX-INDEX   215,21   +1,80/+0,84%  |   UPCOM-INDEX   92,98   +0,06/+0,06%  |   VN30   1.351,10   +26,30/+1,99%  |   HNX30   425,72   +5,08/+1,21%
08 Tháng Năm 2025 5:24:48 CH - Mở cửa
Bao giờ kéo giảm thực chất chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 08/05/2025 9:06:19 SA

Yêu cầu đặt ra là kéo giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật trong năm 2025 này liệu có khả thi hay không? Nhất là khi mà các doanh nghiệp vẫn đang than phiền những bất cập, nhiêu khê và tốn kém trong khâu thủ tục cả mới lẫn cũ khiến cho họ tốn nhiều chi phí dẫn đến tăng giá đầu ra. 

Trong đề xuất mới đây, ông Trần Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam (một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận phù hợp các sản phẩm điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin) mong rằng cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu biện pháp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp (DN). Bởi lẽ, xét cho cùng thì các chi phí này sẽ làm tăng chi phí đầu vào, dẫn tới tăng giá cả đầu ra.

Lo lắng nhiêu khê và tốn kém

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Phương cho biết trong giai đoạn 2022 - 2024 có ghi nhận một số ý kiến từ các khách hàng liên quan đến các khó khăn phát sinh trong việc thực hiện tuân thủ quy định về hợp quy.

Các khó khăn phát sinh trong việc thực hiện tuân thủ quy định về hợp quy đã gây tốn kém nhiều chi phí cho DN, dẫn tới tăng giá cả đầu ra.

Theo đó, chi phí tuân thủ tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với một số sản phẩm tiêu dùng như máy tính xách tay và điện thoại 5G. Chi phí thử nghiệm và hợp quy cho điện thoại 5G trước năm 2022 khoảng 70 triệu đồng, nhưng sau năm 2022 có giai đoạn tăng lên tới 3 tỷ đồng, và hiện giờ ổn định ở mức khoảng 1 tỷ đồng cho 1 model.

“Chúng tôi ghi nhận trong giai đoạn 2023, số lượng kiểu loại điện thoại 5G được một số hãng đưa ra thị trường chỉ còn 1/3 so với giai đoạn năm 2022. Liệu có phải lý do là do chi phí tuân thủ quá cao so với quy mô thị trường?”, ông Phương đặt vấn đề.

Ngoài ra, vị giám đốc Công ty ExtendMax Việt Nam nêu rõ trong thời gian gần đây các câu hỏi phổ biến nhất mà khách hàng dành cho ông là khi nào thì có phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc công nhận cho việc thử nghiệm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 134:2024/BTTT (quy định mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người) và QCVN 135:2024/BTTTT (quy định các yêu cầu kỹ thuật an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet). 

Trong khi đó, ngày bắt buộc áp dụng 2 quy chuẩn thử nghiệm này đã cận kề (bắt buộc áp dụng QCVN 135 từ ngày 1/1/2026 và bắt buộc áp dụng QCVN 134 từ ngày 1/7/2026). Ông Phương dự đoán nhu cầu thị trường rất lớn trong giai đoạn đầu, cộng với việc thời gian thử nghiệm QCVN 134 khá dài. Do vậy có thể đây là lý do làm cho các hãng sản xuất lo lắng việc tuân thủ quy định.

Vị giám đốc này cũng lưu ý các nhà hoạch định chính sách khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật thì nên đánh giá kỹ là chi phí tuân thủ tăng thêm ra sao, rồi lợi ích mà người tiêu dùng nhận lại được tương xứng với mức giá họ bỏ ra thêm hay không?

Không riêng gì băn khoăn của ông Phương, những tốn kém chi phí trong việc tuân thủ thủ tục công bố hợp quy là mối bận tâm lâu nay của nhiều DN. Chính vì vậy mà hồi tháng 4/2025 vừa qua có 8 hội, hiệp hội DN đã đồng loạt phản ánh đến lãnh đạo cấp cao về việc này. Nhất là các quy định mới phát sinh nhiều điểm nghẽn, cản trở sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, theo phàn nàn từ 8 hội, hiệp hội DN là thủ tục công bố hợp quy nhiêu khê và tốn kém, không có hiệu quả, không phù hợp với quốc tế. Cụ thể, riêng thủ tục về hợp quy đã gồm 3 bước: DN công bố quy chuẩn áp dụng, xin chứng nhận hợp quy, đăng ký chứng nhận hợp quy, trong khi thiếu quy định hậu kiểm. Trong khi đó, mô hình của quốc tế chỉ có 2 bước: DN công bố tiêu chuẩn áp dụng - cơ quan quản lý hậu kiểm là chính.

Thực tế cho thấy để đăng ký công bố hợp quy, DN phải tốn chi phí hàng chục triệu đồng cho kiểm nghiệm, có giấy kiểm nghiệm mới được cơ quan kiểm nghiệm cấp chứng nhận hợp quy, và mang giấy chứng nhận hợp quy nộp cho cơ quan quản lý mới được cấp Giấy đăng ký bản công bố hợp quy. Với hàng trăm nghìn sản phẩm, chi phí đăng ký hợp quy lên tới nhiều nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Chờ đợi kéo giảm 30% chi phí tuân thủ

Trong khi đó, xét về bất cập trong đăng ký công bố hợp quy, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng thuộc Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, đã đặt vấn đề là liệu có giá trị trong quản lý chất lượng hay không? 

Dẫn chứng cụ thể như việc hồi tháng 4/2025 Bộ Công an điều tra phát hiện 573 nhãn sữa giả, ông Uy cho rằng có hàng trăm sản phẩm đã được cơ quan quản lý cấp giấy đăng ký trong đó xác nhận sản phẩm phù hợp với quy chuẩn, nhưng thực tế lại là hàng giả.

Vì thế, ông Uy cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy (tiền kiểm), ít chú trọng hậu kiểm. Trong khi đó, những kẻ làm hàng giả thì sử dụng giấy đăng ký hợp quy do cơ quan quản lý nhà nước cấp để đánh lừa người tiêu dùng là “chất lượng và an toàn sản phẩm đã được chứng nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước”.

Do đó, vị trưởng nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham đề xuất bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy. Thay vào đó, nên áp dụng mô hình của quốc tế. Cụ thể là DN công bố quy chuẩn áp dụng cho sản phẩm, còn cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát theo quản lý rủi ro. Cơ quan quản lý xây dựng hướng dẫn hậu kiểm theo quản lý rủi ro để các địa phương thực hiện thống nhất.

Nên nhắc thêm, trong báo cáo gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy tính đến hết năm 2024, các cơ quan nhà nước đã ban hành 804 QCVN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) còn hiệu lực. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam có khoảng 14.000 TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) và được phân loại theo 40 lĩnh vực. Lĩnh vực có nhiều TCVN nhất là thực phẩm với 1.700 TCVN.

Và điều mà các DN thường xuyên than phiền là với những tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không hợp lý, quá mức cần thiết có thể nảy sinh nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động của họ, nhất là làm tăng chi phí.

Như lưu ý của VCCI, nếu như các chỉ tiêu quá cao, quá nghiêm ngặt khiến DN phải tốn kém chi phí để đáp ứng thì các chỉ tiêu quá thấp cũng là vấn đề. Chỉ tiêu quá thấp đồng nghĩa với việc tất cả các loại hàng hoá trên thị trường dễ dàng đáp ứng, dù có hay không có chỉ tiêu đó trong quy chuẩn. Như vậy, chi phí để thử nghiệm, chứng nhận sẽ bị lãng phí không cần thiết.

“Mặc dù các chỉ tiêu này có thể cần thiết để bảo đảm sản phẩm, hàng hoá không vượt quá ngưỡng an toàn, nhưng rủi ro vi phạm rất thấp và gần như bằng không, nên chi phí thử nghiệm, chứng nhận sẽ bị lãng phí. Trong những trường hợp như vậy, cần loại bỏ chỉ tiêu đó ra khỏi quy chuẩn”, phía VCCI nêu rõ

Thế Vinh-Link gốc