• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.349,35 -2,69/-0,20%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.349,35   -2,69/-0,20%  |   HNX-INDEX   227,07   -0,49/-0,22%  |   UPCOM-INDEX   99,18   +0,31/+0,31%  |   VN30   1.435,19   -4,11/-0,29%  |   HNX30   468,54   -1,43/-0,30%
21 Tháng Sáu 2025 12:07:29 SA - Mở cửa
Vì sao ngân hàng không mặn mà cho vay dự án nhiệt điện, thuỷ điện, than?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 07/06/2025 8:48:57 SA

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết họ cũng đang phải "xanh hóa" để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, đặc biệt là các đối tác quốc tế. Hiện nay, ngân hàng không mặn mà với những dự án phát thải cao như nhiệt điện, thủy điện, than…, bởi rủi ro quản trị môi trường ở các ngành này đã đến ngưỡng khiến ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Ngày 6/6, tại Diễn đàn Quản lý nguồn nước trong sản xuất công nghiệp Việt Nam năm 2025, các chuyên gia cho rằng hiện nay đang có nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án xanh như ưu đãi về đất đai; ưu đãi vay vốn đầu tư từ Quỹ Bảo vệ môi trường; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, ưu đãi về lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại.

Đối với chương trình ưu đãi về vốn cho các dự án xanh, ông Phan Thế Dương, Phòng Quản lý chất thải - Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các quỹ bảo vệ môi trường của Nhà nước, các ngân hàng thương mại có chương trình cho vay ưu đãi cho các dự án xanh; Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi suất vay cho các dự án xử lý và tái sử dụng nước thải; Cung cấp các khoản vay, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư vào bảo vệ môi trường, bao gồm cả các dự án tái sử dụng nước thải từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Các ngân hàng cho biết họ cũng đang phải "xanh hóa" để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HDBank chia sẻ ngay cả ngân hàng cũng đang phải "xanh hóa" để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, đặc biệt là các đối tác quốc tế.

“Chúng tôi ra nước ngoài thấy xúc động khi các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao cam kết phát triển xanh của Việt Nam. Đó là lý do HDBank đã thành lập nhóm ESG, hợp tác với các định chế tài chính quốc tế để xây dựng mô hình đánh giá tài chính theo tiêu chí xanh”, ông Phương thông tin.

Ngân hàng hiện nay không mặn mà với những dự án phát thải cao như nhiệt điện, thủy điện, than… Rủi ro quản trị môi trường ở các ngành này đã đến ngưỡng khiến ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo các ngân hàng thương mại, hầu hết các doanh nghiệp áp dụng những tiêu chí phát triển bền vững hiện nay đều lo lắng chi phí áp lực lên giá thành hàng hóa. Vấn đề là mô hình tài chính nào sẽ phù hợp, doanh nghiệp “xanh” tới mức nào, từ đó ngân hàng mới tư vấn được mô hình tài chính phù hợp cho từng doanh nghiệp.

Mặc dù có nhiều chương trình cho vay ưu đãi với dự án xanh, và ngân hàng cũng tìm kiếm các dự án xanh để giải ngân, nhưng vì sao các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn?

Đại diện một ngân hàng TMCP lý giải: Đã có ngân hàng từng tiếp cận một khách hàng đầu tư vào khu công nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp đăng ký thêm tiêu chí xanh để được vay vốn, nhưng họ không đồng ý, và ngân hàng đành dừng lại. Đó là một thương vụ không thành công vì sự thiếu sẵn sàng với phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong một buổi toạ đàm về chuyển đổi xanh được tổ chức hồi đầu năm, ông Đinh Hồng Kỳ, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết hiện nay khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đa số những doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn, còn các doanh nghiệp SME gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa.

Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng xanh có tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 21,2% mỗi năm, tổng dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024 và chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nguồn vốn tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (trên 37%), nông nghiệp xanh (trên 29%). Tuy nhiên, tỷ trọng của tài chính xanh trong tổng dư nợ cho vay vẫn còn hạn chế và nguồn vốn dài hạn cho các dự án bền vững chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và hướng tới mục tiêu Net Zero, cần có một cách tiếp cận đa chiều nhằm hỗ trợ nền kinh tế dịch chuyển từ mô hình truyền thống sang nền kinh tế xanh. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và thực hành bền vững. Việc ban hành hướng dẫn rõ ràng, cung cấp các ưu đãi và xây dựng môi trường pháp lý ổn định sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và hạ tầng xanh.

Thanh Hoa-Link gốc