Tóm tắt:
|
Tháng 1/2025 đánh dấu sự phân hóa mạnh mẽ của thị trường tài chính toàn cầu dưới tác động kép từ các đột phá công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI), thương chiến và chính sách tiền tệ. Trong đó, thị trường chứng khoán tại Mỹ duy trì đà tăng điểm nhờ vào lạm phát cơ bản duy trì ổn định (3,2-3,3%), chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ (+4,2% QoQ) và sự kỳ vọng đến từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền Trump. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) với chi phí đầu tư không quá lớn từ Trung Quốc đã dẫn đến các đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ tại Mỹ. Trong khi đó, Canada và châu Âu hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ, với TSX và DAX tăng lên mức đỉnh lịch sử trong khi ghi nhận tăng trưởng GDP âm tại Đức, Pháp trong Q4 2024 và mức tăng khiêm tốn 0,3% QoQ của Canada trong Q3 2024.
Bối cảnh thương mại toàn cầu leo thang căng thẳng khi Tổng thống Trump áp thuế 25% lên hàng hóa Mexico, Canada và đồng thời áp thêm 10% đối với các mặt hàng từ Trung Quốc có tổng trị giá 525 tỷ USD. Phản ứng của Trung Quốc bao gồm đệ đơn lên WTO cùng biện pháp trả đũa nhắm vào than đá, LNG và các khoáng sản chiến lược như vonfram, telua - những mặt hàng then chốt cho công nghệ cao của Mỹ. Trong đó, Việt Nam với mức thâm hụt thương mại lên đến 123 tỷ USD với Mỹ vào năm 2024, có thể sẽ chưa ghi nhận bất kỳ tác động trực tiếp nhờ vào chiến lược “Trung Quốc +1" của các doanh nghiệp FDI. Các ước tính cho thấy thương chiến kéo dài có thể làm giảm 0,6 điểm phần trăm GDP Trung Quốc và đẩy lạm phát cơ bản tại Mỹ tăng thêm 0,8 điểm phần trăm, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến lộ trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và bối cảnh tỷ giá và môi trường lãi suất tại Việt Nam.
|