Với khó khăn của NH Đông Á (DongA Bank) trong cả hoạt động kinh doanh dẫn đến những đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn bất thành trong nhiều năm qua, anh em nhà ông Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên, hai doanh nhân lão luyện về mua… DN qua cửa M&A, đang có cơ hội lớn để đầu tư ngành ngân hàng (NH).
Anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên liệu có thể trở thành làn gió mới khi mang theo 1.000 tỷ đồng đi vào lĩnh vực NH – bắt đầu tại Đông Á Bank?
Báo cáo của NH Đông Á về việc triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng năm 2014 và tờ trình xin tiếp tục triển khai kế hoạch này năm 2015 với nội dung cho biết trong quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Kinh Đô đã đặt vấn đề mua lại gần 17% cổ phiếu Đông Á, giá bằng mệnh giá, đã xác thực một hướng đi mới của anh em hai doanh nhân Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên: Lĩnh vực NH.
Vì sao Kinh Đô muốn đầu tư NH?
Gọi là hướng đi mới, bởi trong định hướng đầu tư chiến lược được hai anh em nhà ông Nguyên đưa ra hoạch định cho Kinh Đô, kể từ khi Cty công bố thương vụ bán đi mảng kinh doanh bánh kẹo cho nhà đầu tư Mỹ, không hề có tên “tài chính NH”. Trong quá khứ, sau một giai đoạn khởi nghiệp kinh doanh và đạt được một số thành tựu nhất định, anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên đã từng có tham vọng phát triển mạnh ở mảng bất động sản và đầu tư tài chính – nhằm đưa Kinh Đô lên mô hình tập đoàn. BĐS là tài sản lớn liên quan đến cả tài chính, chứng khoán, NH. Ba kênh liên thông này có những mối quan hệ gắn bó kiểu “3 in 1” khó tách bạch. Giới chuyên gia nhìn nhận điều này cũng không loại trừ với Kinh Đô. Kể cả khi Kinh Đô dường như trước đó không hề nhắc đến tham vọng đi vào tài chính và đã tái cấu trúc hoạt động DN, rút chân ra khỏi nhiều dự án địa ốc để có vẻ đi sâu hơn nữa vào địa hạt FMCG với những mũi kinh doanh mới, thì chuyện “muốn có một NH” cũng không phải không có lí.
“Hiện tại, đã có tiền lệ Masan Consumer, Cty con của Tập đoàn Masan, phát triển như vũ bão trong lĩnh vực FMCG nhờ phát triển mạnh cả M&A, hệ thống phân phối và chiến lược ngành hàng liên đới (chiến lược quanh bàn ăn –PV), đồng thời có mối quan hệ đầu tư chiến lược, nắm vai trò cổ đông sở hữu chi phối ở Techcombank. Kinh Đô là người đi sau Masan, nếu xét ở ngành hàng mì gói, cà phê, dầu ăn. Nhưng Kinh Đô cũng có kinh nghiệm dày dạn về M&A, sở hữu hệ thống phân phối lớn và chiến lược marketing bài bản. Tức không hề kém cạnh Masan về các yếu tố gì, ngoại trừ một NH. Do đó, anh em ông Trần Lệ Nguyên muốn chi 1.000 tỷ đồng vào Đông Á để trở thành cổ đông lớn nhất, không ngoài những tính toán “trang bị” đủ lợi thế khi muốn trở thành “hàng đầu” trong FMCG “hàng tiêu dùng nhanh” – một chuyên gia cho biết.
Sự “cần thiết và cấp bách” của DongA Bank
Xét tương quan trên thị trường tài chính NH, việc Kinh Đô chọn Đông Á làm đích đến đầu tư lĩnh vực mới cũng vô cùng hợp lí. Trên thị trường đang có không ít các NH khát nhà đầu tư và sẵn sàng bán rẻ như cho. GPBank ba lần gọi vốn bất thành hay OceanBank thất bại phải bán cho NHNN với giá O đồng là một ví dụ. Một số NH nhỏ khác hiện chưa tìm được đối tác M&A chính thức nào để khởi động tái cấu trúc trong giai đoạn 2, cùng cạnh tranh với các NH đã lớn mạnh về quy mô lẫn hệ thống do đi trước M&A ở giai đoạn 1 cũng còn những tên tuổi như AnBinhBank, Phương Đông Bank, Kiên Long Bank, Bắc Á Bank, Đông Á Bank… Trong Top này, AnBinhBank từng nhăm nhe sáp nhập cùng Đông Á Bank nhưng mức độ theo tiết lộ của Chủ tịch HĐQT Đông Á Bank, chỉ dừng ở đang tìm hiểu.
Còn xét ở góc độ của Kinh Đô khi đi tìm kiếm điểm đến, đầu tư vào GPBank hay Ocean Bank tất nhiên là phương án rất rủi ro. Anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên sẽ “chẳng dại gì”. Tìm kiếm đến những ngân hàng còn lại cũng không dễ.
Trong khi đó, cơ hội đầu tư vào Đông Á khá lớn khi nhiều năm qua, được biết NH này vẫn tìm đối tác nhưng bất thành. Đông Á Bank lại đang gánh áp lực “cấp bách và cần thiết” về tăng vốn “nhằm tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực tài chính cũng như tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động và nâng cấp giao dịch tại các địa bàn tỉnh lên chi nhánh” như trong tờ trình của HĐQT nêu. Có thể nói đây là NH có nhu cầu tìm kiếm nhà đầu tư rất cao.
Xét về cơ hội phát hành, DongA Bank từng có các đợt phát hành cổ phần nhưng bất thành do cổ phiếu của NH trên thị trường OTC luôn rất thấp so với mệnh giá, nhà đầu tư không hề mặn mà. Trong khi đó, Kinh Đô lại sẵn sàng cam kết mua hết 1.000 tỷ đồng trị giá cổ phiếu tính trên mệnh giá –sẵn sàng vung rộng tay làm hài lòng các cổ đông lớn nhỏ của NH.
Còn xét về kinh doanh, Đông Á Bank là NH đang xuống dốc. Sau nhiều năm phát triển vững vàng, đặc biệt đẩy mạnh mảng thẻ và thu hút kiều hối như một thế mạnh, Đông Á hiện đang có mức lãi vô cùng khiêm tốn – từ hàng nghìn tỷ xuống còn vài chục tỷ đồng, và một khối nợ nhóm 3 có nguy cơ trở thành nợ xấu rất lớn (trên 13%) trong tổng dư nợ. Năm 2014 Đông Á Bank từng có hai quý lỗ với gần 200 tỷ đồng. Đặc biệt, không chỉ kết quả kinh doanh của NH đi vào chặng suy thoái mà NH này có vẻ đang bế tắc về hướng đi khi chưa thoát ra được khỏi hệ lụy kinh doanh cũ, lại cũng chưa có làn gió mới nào để thay đổi cung cách quản trị đã được duy trì quá lâu bởi những người điều hành đang theo mô hình gia đình trị tại Đông Á.
Vấn đề là anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên liệu có thể trở thành làn gió mới khi mang theo 1.000 tỷ đồng đi vào lĩnh vực NH – bắt đầu tại Đông Á Bank? Trước mắt, câu chuyện này phải chờ đến 21/7, ngày mà cả Đông Á Bank và Eximbank đều đang dự kiến đại hội cổ đông bất thường để xin ý kiến cổ đông về các vấn đề bán vốn hoặc M&A. Mặt khác, anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên, nếu thành công trở thành cổ đông lớn của Đông Á Bank, thì việc có phát huy được kinh nghiệm của mình trong ngành FMCG và trên thị trường M&A, áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh NH để vực lại Đông Á Bank hay không? Với một “tay mơ” ở lĩnh vực NH và cùng chung một đặc thù quản trị kiểu gia đình trị, câu hỏi trên đang là ẩn số với các cổ đông Đông Á Bank nói riêng và cả thị trường.
Lê Mỹ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.